Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Thi hài của Bác đã được gìn giữ như thế nào? (kỳ 2)


Tổ y tế đặc biệt được chính thức thành lập vào tháng 6/1968, do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền làm tổ trưởng. Các tổ viên gồm có: Đại úy - bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Thượng úy - bác sĩ Lê Điều, Thiếu úy - bác sĩ Nguyễn Văn Châu, y sĩ Đỗ Trung Hát và Hộ lý trưởng Phạm Ngọc Am.

Để tổ y tế có thể bắt tay ngay vào thực hành thí nghiệm gìn giữ thi hài ở điều kiện khí hậu nhiệt đới, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Công binh lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ tốt về Viện Quân y 108 xây dựng phòng thí nghiệm đặc biệt và đó sẽ là nơi yên nghỉ đầu tiên của Bác trước khi hoàn thành công trình Lăng mà bấy giờ đây mới chỉ là đồ án thiết kế.

Nhận nhiệm vụ, từ địa điểm sơ tán một số cán bộ kỹ thuật Phòng công trình Bộ Tư lệnh Công binh gồm các đồng chí Nguyễn Trọng Quyền, Bùi Danh Chiêu, Lam Sinh và Trần Thanh Vân, do đồng chí Nguyễn Trọng Quyền phụ trách hành quân gấp về Hà Nội, vừa ổn định chỗ ăn, ở, vừa khảo sát hiện trường, vừa lập phương án thiết kế sơ bộ, cũng không kịp tìm hiểu công trình phục vụ ai, nhằm mục đích gì, chỉ được biết: đây là một công trình đặc biệt, phục vụ một nhiệm vụ đặc biệt, đòi hỏi kỹ thuật cao so với khả năng, phương tiện hiện có của đơn vị.

Phải thiết kế và thi công một công trình phức tạp, bảo đảm nhiệt độ thường xuyên 160C, chỉ được phép dao động trên dưới 0,20C. Độ ẩm phải giữ ổn định 75% trong điều kiện không có gió lùa và phải vô trùng tuyệt đối. Đây là một khó khăn lớn. Mặt khác, qua mấy năm chiến tranh phá hoại, một số cơ sở điện nước bị địch đánh phá hư hại nặng, không thể đảm bảo điện nước 24/24 giờ cho công trình. Các cơ quan Trung ương lại ở nơi sơ tán, việc trao đổi kinh nghiệm, học hỏi thêm kỹ thuật, tìm kiếm phương tiện, vật tư bị hạn chế lớn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng nhóm cán bộ kỹ thuật vẫn quyết tâm chuẩn bị thi công.

Theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Công binh, cả hai lực lượng thiết kế và thi công phải song song triển khai cùng một lúc mới bảo đảm tiến độ. Quá trình thi công cũng là quá trình vừa bổ sung hoàn chỉnh thiết kế. Chỉ ít ngày sau, lực lượng thi công chủ yếu của Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 259 công binh do đồng chí Trần Sỹ Yêm chỉ huy đã được điều động tới.

Thời gian này, phần lớn các khoa của Bệnh viện 108 đã đi sơ tán. Không khí trong viện vắng lặng, kín đáo, rất thuận lợi cho việc thi công cả ban ngày lẫn ban đêm. Do vị trí thi công chật hẹp, Tiểu đoàn 2 phải tổ chức làm ca, kíp, kết hợp với việc tập kết vật tư, nguyên liệu đúng lúc, đồng bộ. Vốn là những chiến sĩ ngày đêm đối mặt với bom đạn Mỹ trên các mặt đường, trên các cây cầu, bến phà các chiến sĩ công binh đã tỏ ra dày dạn, có nhiều kinh nghiệm và hết sức năng động trong nhiệm vụ mới này.

Sau một thời gian lao động quên mình, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và yêu cầu kỹ thuật. Nhưng đến khi lắp đặt các thiết bị máy móc, vận hành thử nghiệm lại nảy ra những khó khăn mới tưởng chừng không sao khắc phục, như khi lắp máy điều hòa nhiệt độ, lúc cần hạ thấp nhiệt độ theo yêu cầu thì máy không đáp ứng được. Thế là lại phải mày mò, cải tạo làm cho máy điều hòa nhiệt độ thỏa mãn tất cả mọi yêu cầu kỹ thuật trong từng giai đoạn gìn giữ thi hài Bác.

Xử lý, khắc phục xong máy điều hòa nhiệt độ thì ở buồng trung tâm, nơi sẽ đặt thi hài lại xuất hiện một trục trặc khác. Nguyên do là sau khi máy điều hòa ngừng làm việc, mọi người nhận ra có hiện tượng đọng sương trên trần nhà. Hiện tượng này dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, trong khi đó, buồng đòi hỏi phải vô trùng tuyệt đối. Làm thế nào để khắc phục hiện tượng này? Nhiều lần các chiến sĩ công binh đã dùng sơn chóng khô và dùng giẻ thấm nước, nhưng hiện tượng đọng sương vẫn xảy ra. Cuối cùng họ đã tìm được một biện pháp: dùng gỗ dán lên toàn bộ trần nhà kết hợp với thông hơi. Hiện tượng đọng sương biến mất. Công trình này đã được hoàn tất vào những ngày cuối năm 1968 và mang mật danh: Công trình 75A.

Khi đoàn chuyên gia Liên Xô sang kiểm tra, bạn đã ngạc nhiên đánh giá cơ sở làm việc được chuẩn bị hết sức tốt và bắt đầu từ đó, công trình được bàn giao cho tổ y tế đặc biệt sử dụng. Tiểu đoàn 2 công binh chỉ để lại một bộ phận nhỏ tiếp tục củng cố, bổ sung và quản lý vận hành, còn phần lớn đơn vị chuyển sang một nhiệm vụ mới: cải tạo, xây dựng Công trình 75B, một công trình có cấu trúc và thiết bị tương tự như 75A. Đây là nơi đặt thi hài Bác trong những ngày tang lễ.

Bước vào cải tạo, xây dựng Công trình 75B, Tiểu đoàn 2 công binh có nhiều thuận lợi. Vì sau ngày địch ngừng ném bom, các cơ quan của Bộ Quốc phòng và cơ quan Dân, Chính, Đảng đã lần lượt trở về Hà Nội. Những vướng mắc về kỹ thuật, những khó khăn về vật tư, trang thiết bị, được các cơ quan của Đảng và Nhà nước có liên quan quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ vô điều kiện. Nhưng cũng như ở Công trình 75A, vị trí thi công ở 75B rất chật hẹp, khó tập kết nguyên vật liệu, khó thi công ồ ạt trong cùng một thời gian và lại ở quá gần đường nên chỉ có thể tiến hành vào ban đêm để giữ bí mật. Gần sáng mọi công việc phải được thu dọn gọn ghẽ để ban ngày Hội trường có thể dùng làm việc bình thường, phục vụ cho các hoạt động khác.

Để có những giải pháp tối ưu, hàng loạt các thí nghiệm trong công tác bảo đảm kỹ thuật đã tiến hành. Cũng giống như ở buồng trung tâm của Công trình 75A, trên bề mặt hòm tôn được gò để chạy thử máy, không chỉ hiện tượng đọng suơng mà hơi nước còn bốc lên, ngưng tụ, chảy thành dòng. Trước khó khăn này, các cán bộ kỹ thuật lại lao vào vật lộn với các đề án khắc phục. Cuối cùng, sau nhiều đêm mất ngủ, họ đã tìm ra biện pháp chạy máy điều hòa kết hợp với thông hơi dùng tốc độ gió, chấm dứt được tình trạng đọng sương, ngưng tụ nước. Chính kết quả này đã làm cơ sở cho lãnh đạo quyết định duy trì phương án cải tạo xây dựng Công trình 75B và tiếp tục cho đặt các máy móc, thiết bị kỹ thuật như ở Công trình 75A.

Cũng cần nói thêm rằng, năm 1967, Trung ương còn cử đồng chí Phùng Thế Tài sang Liên Xô, Bungari tìm hiểu về nghi thức lễ Quốc tang. Đồng chí Phùng Thế Tài tìm hiểu tỉ mỉ cả việc tại sao khi mai táng lại dùng xe kéo pháo chở linh cữu mà không dùng các loại xe khác. Ở Liên Xô, bạn giải thích rằng trước đây trong chiến tranh, Đại tướng Cu-tu-dốp, không có xe khác nên phải dùng xe kéo pháo chở linh cữu. Còn ở Bungari, bạn trả lời việc này tùy theo phong tục, tập quán của mỗi nước và không có một quy định chung nào cả.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sau khi nghe báo cáo, đã đề xuất ta nên dùng xe ngựa để tránh sự ồn ào. Lập tức đồng chí Đỗ Viết Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ được cử sang Mông Cổ mua ngựa. Nhưng khi diễn tập thử thì thấy không ổn, nên Trung ương quyết định dùng xe kéo pháo trong các dịp lễ Quốc tang như ở Liên Xô và các nước châu Âu khác.

Hoàn thành hai công trình đặc biệt trong một thời gian ngắn, các chiến sĩ công binh Trung đoàn 259 đã biểu lộ tất cả tấm lòng của họ đối với Bác. Đứng trước những thành quả lao động do chính bàn tay mình tạo ra, họ không thấy thỏa mãn mà thấy lòng mình trống trải. Họ có mong muốn rằng, công trình làm chỉ để dự phòng rằng Bác vẫn đang mạnh khỏe. Bác sẽ sống rất lâu với dân, với nước và công trình của họ, cái công trình mà họ đã dồn tất cả tâm lực để hoàn tất còn rất lâu, rất lâu nữa mới có thể dùng đến.

Trong khi các chiến sĩ công binh bước vào giai đoạn khởi công cải tạo xây dựng Công trình 75B thì 75A, tổ y tế đặc biệt cũng bắt tay vào công việc chuẩn bị trang thiết bị y tế. Một việc cấp bách cần làm ngay là phải đặt làm một chiếc bàn đá ganitô chuyên dụng để uớp giữ thi hài. Đây là một chiếc bàn đặc biệt. Khi còn học ở Liên Xô, anh em trong tổ y tế đã đo kích thước để khi về nước đặt làm. Sau khi nhận được mẫu vẽ, các công nhân ở xí nghiệp đá An Dương đã làm được một chiếc bàn rất đẹp, y hệt chiếc bàn đặt ở trong Phòng giải phẫu của Viện Thi hài Lênin tại Mátxcơva.


TP HCM thêm ba trường có học sinh nhiễm cúm A/H1N1


Theo Sở Y tế TP HCM, THPT tư thục Hòa Bình ( phường 14, quận Tân Bình), THPT Duy Tân (phường 5, quận 10) và THCS Lam Sơn ( phường 11, quận 6) có học sinh nhiễm cúm A/H1N1.

Tại trường Hòa Bình, ngành y tế đã thành lập bệnh viện dã chiến để điều trị và cách ly cho 41 ca có biểu sốt, trong đó, có ba học sinh đã dương tính với cúm A/H1N1. Trong thời gian xuất hiện ca bệnh, trường có 192 học sinh nội trú.

Trường Duy Tân cũng có ba học sinh dương tính với cúm A/H1N1 đang điều trị tại Bệnh viện Quận 10 và cách ly 9 học sinh khác do tiếp xúc gần với ca bệnh. Riêng trường Lam Sơn có hai học sinh nhiễm cúm A/H1N1 đang được điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Trãi và cách ly 15 học sinh khác có biểu hiện sốt.

Cả ba trường trên hiện đều đóng cửa, cho học sinh nghỉ học để tiến hành phun hóa chất diệt khuẩn.


TP. Hồ Chí Minh: Thêm bệnh viện dã chiến ở trường học


Sau khi có kết quả xét nghiệm 14 học sinh trường THTP Dân lập Quốc Văn - Sài Gòn (quận Bình Thạnh) nhiễm cúm A/H1N1, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã thành lập bệnh viện dã chiến ngay tại trường học này.

(ĐĐK) Ngày 19-8-2009, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch cúm ở người Cục Khám chữa bệnh, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đến giám sát và chỉ đạo trực tiếp công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại bệnh viện dã chiến trường Quốc văn Sài Gòn. Ban giám hiệu trường cho biết, trường hiện có 252 học sinh nội trú và 120 học sinh bán trú. Qua điều tra dịch tễ, có 52 học sinh tiếp xúc gần với những học sinh nhiễm cúm A/H1N1 nên được cho cách ly tại bệnh viện dã chiến của trường. Cho đến sáng ngày 19-8, số học sinh xét nghiệm có kết quả dương tính với cúm tại trường lên đến 15 ca. Ngành y tế cho 22 học sinh trong số 52 em bị cách ly được về nhà tự theo dõi sức khỏe. Riêng 30 em còn lại được ngành y tế theo dõi sát 24/24 để kịp thời phát hiện ca bệnh. Nếu không có gì đột biến trường Quốc văn Sài Gòn sẽ được giải phóng trong khoảng 10 ngày tới.

Thanh Giang


Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

'Người đàn bà điên'


Bãi rác nằm cạnh sông hôi thối meo mốc, chua mùi nước cặn.

Sông rộng quá, không biết bên kia sông là gì. Những đứa bé vẫn hay hỏi ba mẹ chúng bên kia sông là gì. Thì người chứ gì. Rồi chúng lại hỏi, người bên kia sông có giống người bên này sông không. Tất nhiên là giống. Cũng có mắt có mũi có đầu có tai có yêu có ghét có đói có no. Hàng chục câu hỏi như thế đôi khi làm người lớn bực bội, người lớn đôi khi trả lời được, đôi khi lắc đầu.

Bên kia sông không vọng đến bên này sông, có lẽ vậy.

Cứ mãi ở đây thì buồn tẻ lắm.

Những con cá mặt quỷ bơi lặn khắp sông, theo mùa lũ mà sinh sôi, mà cắn xé nhau bằng hàm răng gớm ghiếc và đôi mắt trợn lồi.

Lũ người nhếch nhác theo ráng chiều mất hút để lại dòng sông buồn lặng lẽ. Chỉ có tiếng những người đàn bà giục con đi tắm vang vang lanh lảnh. Bài vọng cổ quen thuộc cất lên, buồn đứt ruột. Không có những âm thanh đó, chắc chẳng ai ở bãi sông này làm gì.

***

Ảnh: Tuấn Anh

Người đàn bà điên điên khùng khùng bới rác lên ăn. Ban ngày thì cười. Đêm thì khóc. Tiếng cười lẫn tiếng khóc đều kinh hoàng. Những đứa trẻ ví tiếng khóc của chị với tiếng chó sói. Ai mở nhạc thì hát theo, hát cũng hay, lạ thật, bài gì cũng thuộc. Hát chán lại khóc. Khóc chán thì cười. Không theo một nguyên tắc nào hết, đơn giản thật.

Bà Tám nói, đừng ăn những thứ đó. Rác. Đó là rác mà, đừng ăn. Lời nói ít ai dám nói của bà Tám chỉ vô ích, đáp lại là những câu nói vừa cộc lốc vừa khó hiểu, những nắm đất đá tung lên, rác gì mà rác. Cút. Cút. Không được bắt con tôi...

Đừng nói tôi điên. Người đàn bà điên múc nước bẩn dưới mương đem lên miệng uống. Nắng chang chang. Mọi người chỉ biết nói tội nghiệp, tội nghiệp hay cùng lắm kéo người đàn bà điên vào nhà cho một bộ quần áo cũ, ăn một miếng cơm. Như vậy cũng đủ thấy mình nhân hậu rồi.

Những buổi tối không trăng, người ta thấy một vài bóng người tóc tai bù xù vật vờ trên bờ sông.

***

Mọi người nháo nhào di dân, chẳng ai buồn để ý đến hai mẹ con bà điên làm gì cho mệt. Mặc kệ đi. Biết sao được. Nước lớn quá. Điên nói cũng vô ích mà. Chiếc thuyền nhà chị Sáu chỉ muốn chìm.

Chị Sáu ơi, cho tôi lên thuyền với.

Tiếng đàn ông mệt nhọc đáp lại, không được đâu. Nước lớn quá. Thuyền lại bé quá nữa, đầy hết rồi, thêm một ký-lô-gam cũng chìm mất.

Tôi trả công một chỉ vàng.

Đã nói không được mà.

Thôi thì cố gắng, hình như ông ta có đắn đo. Không được, người đàn ông quắc mắt nhìn người đàn bà bơi trong bộ quần áo lùng bùng. Không được, có bầu thì bằng hai người còn gì. Hai chỉ thì qua sông. Không thì thôi.

Người đàn bà nhăn mặt nhìn dòng nước, xoa bụng. Muốn rên la. Muốn quỳ xuống năn nỉ. Bì bạch trong nước như một con vịt bầu, chị rút trong tay hai khâu vàng, thôi được. Có từng này tài sản, đưa cho ông anh hết. Ông anh giúp em qua bên kia.

Mưa liên miên, ròng rã mấy tháng rồi còn gì. Bọt bong bóng nổi trên mặt sông dày đặc. Trước mùa mưa, con sông đã lắm cá, sau đấy không biết cá nhiều đến mức nào nữa.

Dự báo thời tiết cho biết nước lũ sẽ dâng ở mức báo động.

Các cán bộ thủy lợi bơi thuyền đến tận nơi vận động dân sơ tán đến mùa nước rút lại về. Lúc đầu họ không nghe. Họ không muốn bỏ những gì đã tạo dựng được, từ những lồng nuôi cá đến cái cột làm nhà. Cán bộ nói có lý quá, những năm trước, nước không lớn như năm nay, ai muốn xua đuổi dân đâu. Họ sẵn sàng. Ngậm ngùi luyến tiếc.

Chỉ một tuần sau, mặt sông vắng tanh những ngôi nhà, vắng tanh những cái bè trôi nổi, vắng tanh những dây phơi quần áo giăng mắc ngang dọc. Không có một mống người. Bãi rác kia không một dấu vết cho thấy nó đã từng tồn tại. Nó bị xóa nhòa trong nước, là một phần của sông.

Rác rến, bao bóng lộm chộm. Có cả xác heo, gà trôi dạt. Váng dầu nổi lềnh bềnh.

Mênh mông nước. Và nước. Gió. Và gió. Và mưa.

***

Người đàn bà, cứ tạm gọi là người đàn bà điên vì chị ta không có tên. Chị bảo chị tên Hoài, tên Ngọc Lan, có lúc nói cả tên đàn ông, Minh Hùng, Hoàng Biên, có lẽ một trong số đó có cả tên của chị, hay chỉ là nghe ai nói, hay là tên những người yêu của một mối tình nồng thắm cay đắng nào đó. Cứ gọi chị là người đàn bà điên, mụ điên, bà điên như mọi người vẫn gọi.

***

Chiều chạng vạng. Ánh hoàng hôn lả lơi vắt trên mặt sông. Chỉ có dòng nước. Dòng nước đùng đục màu đỏ của phù sa pha lẫn những váng dầu rò rỉ, pha lẫn dòng nước thải từ cống rãnh.

Mọi người quanh xóm chài nghèo nàn, lạc hậu, ấu trĩ nhìn thấy hai mẹ con người đàn bà điên hục hoạy bới đống rác dưới chân cầu. Những thứ kiếm được trong những buổi chiều kết thúc một ngày của họ. Họ trở về nhà như không hề kết thúc một ngày.

Người đàn bà điên nhặt nhạnh không biết mấy trăm tờ vé số đã dò và tuồn trong một bao ni-lông để làm gì không biết. Cứ như vậy, cái bao ni lông đã chặt cứng. Mọi người đùa, hay trước bà ta đã từng trúng số độc đắc. Mặc kệ. Họ đi vội vàng, tay kéo những đứa trẻ, đừng nhìn người ta, mặc kệ con mụ đó đi.

Ăn đi con, bàn tay với những lớp da tróc như vảy cá. Đôi bàn tay khiến liên tưởng đến lớp da sần sùi của những con cá mặt quỷ ăn tạp và xấu xí.

Ứ ứ.

Đứa con nhỏ xíu, da trắng tái mặc chiếc áo quá cỡ, hình như không mặc quần, nhưng chiếc áo quá cỡ dài tới chân. Các ngón chân đầy đất, gót chân có cả chục vết sẹo. Đi mấy bước lại chúi mặt xuống đất. Nó thích được mẹ bế chứ không hoạt bát và hiếu động như những đứa trẻ chưa học đi đã đòi chạy. Khi thì ngồi trong lòng mẹ, khi thì được cõng sau lưng, khi theo sau, khi nằm gọn trong chiếc giỏ mây nhặt ngoài bãi rác. Nó chỉ biết khóc và cười hoặc ngủ, hoặc ăn, thỉnh thoảng nói mấy tiếng gọi mẹ khi cần. Cơm cơm. Bú. Bú miếng đi. Mẹ mẹ. Mẹ. Mẹ ơi. Ngứa quá. Đói, chơm chơm. Hôi hôi quá. Khát. Ngủ. Đi ngủ. Không ăn. Nóng. Nhăn mặt, ngậm cứng miệng mỗi lần người mẹ nhét thứ thức ăn có mùi hôi vào miệng. Cái mũi bé tẹo nhăn nhó. Nhăn cả nhân trung, cả mắt. Ngon. Ngon. Ngon quá. Ăn đi con. Miệng nó ngậm cứng lại. Xua tay. Không. Oe oe. Mẹ.

Mình muốn đi học. Không được. Mình phải lấy chồng. Con lớn con cũng lấy chồng như mẹ, con cũng lấy vợ như cha. Con ơi, con lớn nhanh lên. Con lớn rồi con sẽ đi được, mẹ sẽ không bế con nữa. Chán quá, buồn quá, con không biết hát như mẹ, ví dầu cầu ván đóng đinh, ví dầu, con lớn nhanh lên.

Xác những con cá mặt quỷ trên bãi cỏ bốc mùi, thân cá thâm đen sùi bọt, lũ ruồi bay vo ve nháo nhào. Cả những con chó cũng chê, không buồn rớ đến. Đó chỉ là thứ đồ chơi cho mấy con cún non choẹt, vầy vò chán lại về nhà bú mẹ. Người đàn bà lao ập người xuống nhặt lấy những con cá, vội vàng như sợ ai cắp mất. Mày không thoát đâu. Đây rồi. Ha ha ha.

***

Một người đàn ông có bước chân huỳnh huỵch, đá những con cá chết ươn hôi, la lối chán quá, toàn là cá mặt quỷ. Chuyến này cả nhà treo miệng. Tèo ơi, về thôi, tối rồi. Muỗi không à, có nghe không? Ba đợi một chút đã. Ngay thôi. Hai cha con nhà kia thu lưới về cái bè chòng chành giữa sông. Trên bè, khói bếp tỏa ra mùi dầu diesel khai khai của nhiên liệu cháy không hết. Những can dầu màu vàng dự trữ lung lay theo chiều nước, chiếc bè không muốn đứng yên, di chuyển nhịp nhàng.

Tiếng hai cha con họ không át được tiếng cười ha ha của người đàn bà điên.

Hai người, một người lớn một người bé dắt tay nhau vào ngôi nhà, tạm gọi là nhà, cho đỡ tủi.

Đứa trẻ tội nghiệp khóc. Nó sợ tiếng cười của mẹ. Mỗi lần như thế, nó gào khóc giãy giụa. Nó không lên cơn điên, không có dấu hiệu điên khùng, không di truyền bệnh thần kinh của mẹ. Mặc dù rất thích bầu ngực của mẹ, nhưng lúc này, đôi tay nó cứ bơi ra khỏi vòng tay ấy, bầu ngực ấy. Người đàn bà điên không tức giận, không đánh con khi nó hư, đái dầm hay ngấu nghiến cắn vú mẹ. Người đàn bà điên mỗi lúc cười một lớn, một dài, những tràng cười thật buồn và ma quái. Hai mẹ con lăn ra ngủ trên đống bao tải phập phồng trong tiếng máy nổ tạch tạch. Ánh đèn soi rõ những cần câu trăng trắng, cả những bóng người cao thấp lom khom ngồi.

***

Một lượng rác của đội xe vệ sinh môi trường chậm chầm dừng lại và trút xuống. Ào ào. Đoạn sông này lại đông hơn một chút, có lẽ tới một trăm người.

Tiếng máy nổ phì phò. Những con người chạy nháo nhào theo. Của tao cái bao màu xanh. Tao màu đỏ. Mình thấy mình đã khổ mà mẹ con nhà kia khổ gấp ngàn lần mình. Họ xúm nhau đuổi hai mẹ không bình thường đi. Người mẹ không chịu đi, lấy một nắm vữa ném lia lịa. Bọn bới rác chạy tán loạn. Chạy đi, con mẹ điên đấy. Đụng đến nó là chết. Bà Hằng mới chết đó, mày không biết à, vì bị thằng điên nào ném, chạy nhanh thôi. Xóm bới rác kia có một người chết vì bị ông điên ném đá. Không bệnh tật, không thương tích, tự nhiên, lúc chết cái lưng hằn dấu vết của viên đá tím rịm lở loét lan ra cả nửa lưng. Mấy người điên đáng sợ quá!

Bóng họ khuất theo bóng chiều.

Người mẹ hui hui, đuổi mấy con ruồi đậu trên má con. Vạch vú cho bú. À ơi! Á ới! Hư hư hư hư hư... con mẹ xinh này, con mẹ đẹp này, ư ư ư ư ư ư. Ru con chán lại hát, anh ơi, anh ơi anh đâu rồi làm sao em hôn bờ tóc rối. Anh ơi anh đâu rồi làm sao ta có đôi. Anh ơi anh đâu rồi. Anh ơi anh đâu rồi.

Âm thanh của nước dạt bờ dào dạt dào dạt.

Người đàn ông hôm qua lại lên bờ. Hắn hỏi người đàn bà điên có ăn không? Chị nói ăn. Hắn đưa cho người đàn bà một bọc ni-lông đen đen và nhìn chị, nhìn đống rác bốc mùi.

Chuột cống chuột đồng chạy nháo nhác làm những ống lon kêu lóc cóc xủng xoảng.

Con sông này, từ bao giờ được gọi là sông.

Đừng hẹn em, con sông giữa mùa nắng.

Đừng nói em bướng bỉnh.

Những thứ hoa dại, những bông điên điển kia có được gọi là hoa không.

Làm sao em biết, em chỉ thấy mình em giữa sông. Nơi những con sóng không bạc đầu. Đục ngầu và bội bạc.

Lại sắp mưa. Những cơn mưa trên đất này lúc nào cũng bất chợt. Cũng vội vàng, cũng thảnh thơi rồi ráo kiệt. Không để ý đôi mắt em ướt. Không cần thấy em cô đơn.

Hong khô em, hong khô anh.

Nước sông dâng từng ngày.

Ngày mai anh không còn nơi này. Anh không ngắm dung nhan em mỗi sáng thức dậy. Anh vẫn cười anh vẫn nói, màu tóc em nhuộm hết dòng sông.

Lừa dối là cách em tự thấy mình không kém ai.

Chua ngoa.

Như thế nào? Tất nhiên là khó tin.

***

Mặt trời lên, khuất sau những nóc nhà cao chót vót đến mấy chục tầng lầu. Trận mưa xối xả hôm qua biến mất, phố trở thành lãnh địa của rác. Đừng đi đến đó, những người mẹ vẫn dặn con mình như thế, mặc dù họ biết chúng sẽ không nghe lời mình.

Trẻ con. Màu da nhợt nhạt. Đôi mắt. Cả đôi mắt chúng cũng nhợt nhạt, đói kém.

Những chiếc máy ủi, máy múc xe tải ào ào đến. Tiếng máy trộn xi măng át hết mọi âm thanh quen thuộc và nhộn nhạo. Khu chợ cách đó năm phút đi bộ vẫn tràn ngập thủy sản, rau quả tươi sống. Không thiếu thứ gì. Người ta cấm đổ rác ra đường, xuống kênh rạch. Không bọ gậy. Không lăng quăng. Không sốt rét. Không dịch hạch. Đó là mục tiêu sở y tế đề ra. Ai cũng hứng khởi nghe để không đau ốm bệnh tật. Tất nhiên rồi. Tốt quá. Đây sẽ là khu đô thị mới. Nạo vét kênh mương và rửa sạch những chất gây ô nhiễm môi trường, vớt dầu loang.

Tôi không đi đâu. Tôi ở đây. Nhà tôi ở đây. Người đàn bà người ta vẫn gọi là bà điên không chịu đi. Làm sao bây giờ, họ thảo luận, thôi kế hoạch đạt nhưng thôi, cho chị ta ở lại. Không lẽ nỡ lòng đánh đuổi một người điên.

***

Đàn ông, người chủ gia đình vất vả dựng lại nhà cửa. Rất nhiều chiếc xe ba gác chở không biết bao nhiêu cây tầm vông dài ngoằng đến, cả những tấm bạt màu cà rốt, màu đen bằng chất liệu tổng hợp xếp ngay ngắn chuẩn bị lợp ngôi nhà mới.

Chỉ có trẻ con, lúc nào chúng cũng đùa nghịch với nhau bằng nụ cười tươi sáng. Sau một tháng trời xa nhau. Tao nghĩ không gặp lại mày. Về quê mà nhớ tụi mày muốn chết. Xạo quá ông nội ơi...

Người lớn nhìn và cười chúng, bảo chúng nói chuyện như người lớn.

Chúng hỏi nhau về thằng bé ốm tong teo con của bà điên ở đâu sao không thấy. Không có ai để trêu ghẹo, chắc chúng buồn lắm, nhưng chúng cũng rất vui là gì, chẳng có ai nói những câu điên khùng và vác đá ném chúng nữa.

À ơi à ơi, con mẹ xinh đẹp, con mẹ môi hồng môi thơm, nào con ngủ đi. À ơi à ơi, con mẹ xinh đẹp, con mẹ môi hồng môi thơm nào ngủ đi.

Lâu lắm rồi, bà Tám không buồn nói với người đàn bà điên đừng nhặt rác cho vào miệng. Bà Tám bận rộn với mùa cá.

Bãi rác X nằm trên bờ sông X. Nghe khô khan và bình thường quá.

Người đàn bà cắp đứa con như cắp một con thỏ non. Những vết sẹo đen thui lồi lên dày đặc những ngón tay, lòng bàn tay, cánh tay, cả mặt và lưng... Một mảnh rơi từ trên cao xuống trúng ngay đầu đứa trẻ làm đứa bé tội nghiệp thức giấc và khóc lên dữ dội. Người đàn bà đứng dậy, ngơ ngác nhìn xung quanh.

Đứa bé cứ thét lên. Chỉ biết khóc, lúc này nó không cần ngậm bầu vú mẹ. Dòng máu tươi chảy mạnh, cứ phun lên như mạch nước ngầm dưới sông. Khóc càng lớn, máu càng chảy. Người đàn bà ôm con vào lòng khóc. Đứa con bú ngấu nghiến để quên cơn đau. Trên má, những cục máu đông lại. Khuôn mặt trắng và xanh hơn. Bầu ngực người đàn bà có sức nóng lan tỏa, khuôn mặt người đàn bà điên buồn quá.

***

Mấy hôm nay, hai vợ chồng họ lại đem cơm cho hai mẹ con người đàn bà điên. Người đàn bà không bình thường vồ lấy như một con hổ đói ăn ngấu nghiến. Những người điên luôn ăn uống xấu. Ngon. Ngon. Ăn vội vã. Mớm cho đứa con bé xíu chưa ăn cơm mặc đứa bé liên tục nhổ ra, phun cả lên mặt mẹ. Đứa con thiu thiu ngủ. Mồ hôi vã ra như tắm.

Tiếng vọng cổ của một nữ ca sĩ cất lên. Chỉ có những chiếc máy nghe nhạc mới có quyền ăn to nói lớn trong những buổi trưa nóng ngột ngạt tháng sáu. Một vài người hát theo bài hát quen thuộc.

Bài hát được bấm đi bấm lại, chập tối, máy đĩa vẫn chưa tắt. Nhịp điệu êm ả, buồn rười rượi bởi giọng hát nam cao trên nền đàn tranh và mandolin nhè nhẹ du dương xen lẫn bài hát của nữ ca sĩ.

Người đàn bà điên nhìn hai vợ chồng kia ra về với vẻ lưu luyến và biết ơn. Sự mất trí, sự ngu dại của người điên không đánh vần từ cám ơn, xin lỗi, đau khổ hay hạnh phúc.

Người đàn ông lạnh lùng, thí nghiệm thành công rồi. Giàu to rồi. Họ bước ra khỏi túp lều ngột ngạt và đi thẳng.

***

Lũ cá quỷ lóc bóc nhảy, hòng thoát ra những mắt lưới dày đặc. Khổ thân. Chán quá. Lưới dày đặc cũng chẳng ích gì. Ông bắt chúng ra khỏi lưới ném mạnh lên bờ. Chỉ ăn hại thôi, chẳng biết làm sao để sống. Những con mè, con rô thưa thớt, những con mè chán chết. Đàn ông đàn bà uể oải ngáp.

Tháng cá quỷ lên. Những con cá quỷ mắt lồi, những con cá quỷ có cái mặt giống quỷ. Cái mặt luôn chứa đựng những điều xấu, cái mặt rắp tâm hại con người, hại cả đồng loại, hại cả nòi giống. Cái mặt gườm gườm, mũi hểnh, những cái răng hàm trên vừa vêu ra vừa khoằm, cong quắp như những lưỡi dao găm nhọn hoắt tua tủa đâm thấu mọi thứ trong dòng nước.

Mùa mưa này những con cá mặt quỷ đã sinh ra không biết bao nhiêu đàn cá mặt quỷ con và lớn nhanh như ăn phải cám tăng trọng của heo. Chúng ngốn hết những con cá bống cá kèo cá chép của sông vào cái bụng căng cứng nhỏ dần về phía đuôi. Vứt lưới xuống kéo lên chỉ toàn là cá mặt quỷ. Mặt nhăn nhó, ném lên bờ cho chết. Loài cá mặt quỷ phá hoại và ăn mồi điên cuồng đó đáng ghét thật. Đó là nhịp sống buồn tẻ của những dân đánh cá, phải đến ba tháng rồi còn gì. Quán cóc cũng ế ẩm theo, vắng vẻ theo. Trẻ con không dám đòi mẹ mua cái này cái khác, có lẽ chúng cũng thấy ba mẹ chúng buồn vì khó khăn. Ngủ dậy đôi lúc mọi người mơ tưởng một chút cho đỡ buồn như cách nghe nhạc, cách nói chuyện tục tĩu lăng loàn để lấp đầy những khoảng trống, miếng cơm manh áo chật vật.

Nhớ lại kinh khủng quá! Giờ chẳng ai nỡ vứt những con cá mặt quỷ ăn tạp cho kiến nữa. Đó là tiền, họ cười với nhau, sao phải buồn chứ. Rồi giấc mơ, không rõ là giấc mơ hay thứ gì đã thành hiện thực.

Bản nhạc buồn của nữ ca sĩ lại cất lên. Lại bấm đi bấm lại từ sáng đến tối bằng nút repeat trên đầu VCD. Nhưng không đến nỗi buồn lắm. Một giọng đàn bà khàn khàn có những giọng như vịt đực xen lẫn làm cho bản nhạc mất hay.

Những lát cá quỷ róc hết xương xắt mỏng và trắng như thịt cá hồi nằm trên bàn những nhà hàng sang trọng trong thành phố. Chúng chẳng còn rêu mốc và dính đầy bùn đất trên đầu, hốc mắt và thân hình sần sùi nữa. Họ cầm lấy tờ báo X. trên tay, sung sướng đọc.

Có ai đó nhắc lại về việc người đàn bà điên đã ăn sống cá mặt quỷ. Ăn cả mật cá mặt quỷ. Ăn cả gan cá mặt quỷ. Cả đầu cá mặt quỷ có hàm răng khoằm và nhọn. Hay bụng tốt, ăn rác mà còn không bị gì nữa là...

Bãi rác X. trên dòng sông X. thấp xuống một chút vì một lượng nữa chìm dưới sông.

Buổi tối, triều cường dâng lên. Sáng hôm sau, bước chân ra đường, rác rến quấn lấy nhau. Là rác. Là xe. Là buôn bán. Là người. Không có một người điên nào lang thang trên đường phố, không có người điên nào bới rác trên bãi rác X., chân cầu và khóc cười như hù dọa trẻ con nữa.

Theo Khiêm Nhu


Hé lộ bí ẩn “con tàu ma”


TT - Những bí ẩn quanh con tàu chở hàng Arctic Sea đã dần hé lộ. Ngày 18-8, RIA Novosti dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov xác nhận tàu Arctic Sea đã bị cướp biển tấn công vào ngày 24-7 trên biển Baltic ngoài khơi Thụy Điển. Con tàu và toàn bộ thủy thủ đoàn đã bị bọn cướp khống chế cho đến lúc được hải quân Nga tìm thấy và giải cứu vào ngày 17-8.

Báo cáo với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Bộ trưởng Serdyukov cho biết bọn cướp giả như gặp trục trặc với chiếc thuyền của chúng để lừa các thủy thủ rồi lên tàu. Sau đó, chúng rút súng đe dọa và buộc 15 thủy thủ Nga phải tuân lệnh chúng vô điều kiện. Bọn cướp bắt các thủy thủ lái tàu theo hướng đến Tây Phi, tắt mọi thiết bị định vị và liên lạc. Nguồn tin Cục Điều tra quốc gia Phần Lan cho biết cảnh sát Thụy Điển đã có được những bức ảnh cho thấy các thủy thủ bị đánh đập mà như báo Anh Daily Telegraph mô tả chi tiết: các thủy thủ đầy vết thâm tím trên người và bị gãy răng.

Khi cảnh sát Thụy Điển nhận được thông báo vào ngày 28-7 thì tàu Arctic Sea đã qua biển Manche rồi biết mất. RIA Novosti dẫn lời ông Serdyukov cho biết tàu hải quân Nga Ladny đã giải cứu thành công con tàu Arctic Sea và các thủy thủ mà không cần bắn một viên đạn nào. Trong cuộc giải cứu, các thủy thủ đều không bị thương. Phía Nga đã bắt giữ tám nghi phạm, bao gồm bốn người Estonia, hai người Latvia và hai người Nga. Hải quân Nga tìm thấy tàu Arctic Sea ngoài khơi Tây Phi, cách quần đảo Cape Verde khoảng 483km vào ngày 17-8 sau hai tuần mất tích.

Theo Cục Điều tra quốc gia Phần Lan, đây là vụ đánh cướp tàu đầu tiên trên biển Baltic trong một thế kỷ qua.

------------------------------------

>> Số phận bí ẩn của tàu Arctic Sea

>> Chủ tàu Arctic Sea bị đòi tiền chuộc

>> Đòi tiền chuộc “con tàu ma” Arctic Sea

>> Đã tìm thấy tàu Arctic Sea


Đánh giá bài thuốc cai nghiện của ông Lang Liu


Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm vừa giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan tìm hiểu, đánh giá bài thuốc cai nghiện của ông Lang Liu (Thanh Hóa).

Báo CAND cuối tuần số 78 có đăng bài "Tự cai bằng thuốc bí truyền sau 32 năm nghiện ma túy" phản ánh việc ông Lang Liu, dân tộc Thái (hiện trú tại xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã cai nghiện thành công cho bản thân và nhiều người bằng bài thuốc gia truyền; nay vì tuổi đã cao, sức yếu nên muốn truyền lại bài thuốc này cho cơ quan Nhà nước để cai cho những người nghiện.

Trước đó, Chuyên đề An ninh thế giới số 870 có đăng bài "Căn cứ khoa học của thuốc cai nghiện Thiên Thanh Hoàn" của Tiến sĩ Dư Đình Động, Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy Bộ Công an, nói về bài thuốc cai nghiện có hiệu quả nhưng thiếu kinh phí để nghiên cứu, sản xuất.

Thời gian qua, hai bài báo này được dư luận đặc biệt quan tâm. Tòa soạn Báo CAND liên tục nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi về những thông tin liên quan.

Trước vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm, ngày 17/8, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5596 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm như sau: Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan tìm hiểu, đánh giá bài thuốc cai nghiện; từ đó đề xuất, kiến nghị cụ thể, báo cáo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trước ngày 10/9/2009


Một nữ tiếp viên bị hành hung đến chết


Công an TP Kon Tum đã kịp thời bắt giữ được đối tượng gây ra cái chết đầy thương tâm của chị Nguyễn Thị Tình tại quán Karaoke V3 là Đặng Văn Đại, 25 tuổi, trú tổ 6, P.Thắng Lợi, TP Kon Tum làm Kế toán tại Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy (Kon Tum).

Tối 17/8, tại quán Karaoke V3 trên đường Thi Sách, TP Kon Tum chị Nguyễn Thị Tình (20 tuổi), trú tại số 27C đường Hồ Tùng Mậu làm nghề tiếp thị Bia Sài Gòn, đã bị một người đàn ông hành hung dã man, khiến chị bị thương nặng. Sau khi vụ việc xảy ra, chị Tình đã được người dân ở khu phố lân cận đưa đi cấp cứu tại BVĐK Kon Tum nhưng đã tử vong sau đó tại Bệnh viện.

Được biết, chị Tình mới vừa sinh con được 4 tháng, chồng làm nghề thợ hồ, gia đình hết sức khó khăn. Hiện chưa rõ động cơ kẻ giết chị.


Số người mắc cúm A (H1N1) tăng ở các tỉnh phía nam


ND - Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng Lào Cai, 21 người bệnh trong đoàn du lịch của Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch TP Hồ Chí Minh được cách ly và điều trị tai Bệnh viện Đa khoa số 1 tỉnh Lào Cai đã khỏi và ra viện.

Tuy nhiên, Cục Y tế dự phòng và Môi trường cho biết, trong ngày 18-8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 65 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1) tại các tỉnh phía nam (49 ca), các tỉnh phía bắc (ba ca) và các tỉnh miền trung (13 ca). Tính đến ngày 18-8, Việt Nam đã ghi nhận 1.576 trường hợp dương tính, trong đó có 1.073 người bệnh đã ra viện, những trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng.

* Ngày 18-8, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, kết quả xét nghiệm lần hai đối với đoàn du lịch xuyên Việt của Trường cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch TP Hồ Chí Minh đã phát hiện thêm 11 trường hợp nhiễm cúm A (H1N1). Hiện còn 36 người bệnh trong đoàn dương tính đang được điều trị tại Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam và một trường hợp được điều trị tại Viện Truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Chiều cùng ngày, 122 cán bộ, giáo viên của đoàn trở về địa phương sau khi xét nghiệm hai lần âm tính với cúm A (H1N1) và một số trường hợp xuất viện. Sau khi trở về TP Hồ Chí Minh những thành viên trong đoàn này phải tiếp tục cách ly thêm bảy ngày nữa, cùng đó đoàn cũng được khuyến cáo đeo khẩu trang và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với cộng đồng trên đường đi.

Sáng 18-8, Thanh tra của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra đột xuất về việc kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế phòng, chống dịch cúm A (H1N1) tại một số cửa hàng thuốc tại khu vực chợ thuốc Ngọc Khánh. Qua kiểm tra, ngoài việc khẩu trang cùng loại nhưng giá bán mỗi nơi mỗi khác, đoàn thanh tra còn phát hiện khá nhiều khẩu trang y tế không có nguồn gốc, xuất xứ. Đoàn kiểm tra căn cứ vào việc xuất trình các loại hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc khẩu trang của các cửa hàng thuốc để làm cơ sở xử lý. Nếu có sai phạm, sẽ xử lý nghiêm để răn đe, đồng thời tạo tâm lý cho người dân yên tâm, được mua đúng hàng, đúng giá, phục vụ công tác phòng, chống dịch.

UBND TP Hà Nội vừa thành lập sáu đoàn kiểm tra công tác phòng, chống cúm A (H1N1) tại các trường học, cùng với 14 đoàn do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) thành lập. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đoàn Hoài Vĩnh khẳng định, các cơ sở giáo dục thông suốt quan điểm chỉ đạo của ngành là chủ động phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan nhưng cũng không hoang mang, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, đặc biệt là vệ sinh trường, lớp, quan tâm đúng mức tới công tác giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh.

Hơn 45 nghìn đoàn viên (thuộc Tỉnh Đoàn Thừa Thiên - Huế), học sinh ra quân làm vệ sinh hơn 230 trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh. Các huyện, TP Huế đồng loạt triển khai vệ sinh trường học, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp cho học sinh bước vào năm học mới, góp phần thực hiện tốt phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Ngành y tế huy động lực lượng y, bác sĩ về tất cả các điểm trường triển khai phòng, chống dịch cúm A (H1N1).

Ngày 18-8, Hãng hàng không Jetstar Pacific thông báo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm của Jetstar Pacific tiếp tục triển khai các biện pháp tăng cường nhằm góp phần ngăn chặn và tránh lây lan cúm A (H1N1) qua đường hàng không, đồng thời tạo sự yên tâm đối với hành khách trong quá trình đi lại giao thương kinh tế, thăm người thân... Theo đó, hãng thực hiện việc phun thuốc khử trùng chuyên dụng liên tục giữa mỗi lần máy bay cất, hạ cánh. Đồng thời, trang bị thiết bị đo thân nhiệt điện tử trên tất cả các chuyến bay để hỗ trợ công tác kiểm tra thân nhiệt.

Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo mạng lưới y tế dự phòng phối hợp các ngành, phòng, ban liên quan, ban chỉ đạo tại các địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp giám sát nghiêm ngặt tại vùng dịch và khu vực lân cận; phát hiện kịp thời ca bệnh mới phát sinh, thực hiện khử khuẩn ổ dịch, không để lây lan ra cộng đồng. Mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch cúm A (H1N1) để người dân tự bảo vệ sức khỏe, tránh tư tưởng chủ quan hoặc gây hoang mang cho người dân. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch yêu cầu cơ quan chuyên môn duy trì chế độ thông tin báo cáo kịp thời về tình hình, diễn biến dịch bệnh mới phát sinh theo đường dây nóng, đáp ứng yêu cầu chủ động - kịp thời - hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành, thực thi các biện pháp phòng, chống cúm A (H1N1).


Trường tiểu học An Nhơn Đông: 15 trẻ có HIV/AIDS tắc đường hòa nhập - lỗi do ai?


Hôm qua (18-8), nhiều phụ huynh vẫn chưa chịu cho con em đến trường trong khi các cháu có HIV/AIDS phải trở về trong nước mắt tủi thân.

Khi chúng tôi hỏi về Trường tiểu học An Nhơn Đông có trẻ nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (gọi tắt là trẻ OVC) thì một người dân trả lời ngay: “Trường đó dạy trẻ OVC, ai dám cho con đi học!”.

Những giọt nước mắt thơ ngây

Chị Phương bán tạp hóa, nhà đối diện cổng trường, kể: Ngày 17-8, từ 6 giờ 30 sáng, phụ huynh đã đưa con em tụ tập rất đông trước cổng trường nhưng không vào. Họ bàn tán xôn xao, phản đối trường nhận trẻ OVC. Có rất nhiều trẻ đứng trước cổng trường la lớn: “Con không học chung với mấy đứa sida đâu”.

Đến 7 giờ sáng, khi 15 trẻ OVC được các xơ Trung tâm Mai Hòa dẫn đến, bọn trẻ và phụ huynh nháo nhào tránh đường và la lối!

“Tôi thấy phụ huynh làm quá, tụi trẻ nó có biết gì đâu. Mấy em bên Trung tâm Mai Hòa đứa nào đứa nấy ra về khóc bù lu bù loa, tội nghiệp!” - chị Phương kể tiếp.

Chị Lê Kim Hoàng có con gái vào lớp 1, nói cách đây ba, bốn hôm, khi nghe tin có trẻ OVC học ở đây, chị đã chạy qua trường xin rút hồ sơ chuyển trường cho con nhưng không được chấp nhận. Ngày nhập học, chị cho con bé nghỉ. đến sáng 18-8, thấy trẻ OVC không đến trường nữa, chị mới cho con qua trường.

Thà con tôi ngu!

“Tôi chấp nhận cho con nghỉ học một năm, thà con tôi ngu. Tôi thấy mấy đứa OVC bị ghẻ nên rất sợ!” - chị Ngô Thị Bông, phụ huynh của hai đứa con đang học tại Trường tiểu học An Nhơn Đông, nói. Theo chị Bông, từ đầu năm học, nhà trường chưa hề thông báo cho phụ huynh biết gì về trẻ OVC học trong trường. Đùng một cái, cách đây hai, ba hôm nghe tin, chị cũng chạy đi rút hồ sơ chuyển trường nhưng không được. “Năm ngoái, tôi làm ban chấp hành hội phụ huynh học sinh và phản đối cho trẻ OVC đến trường chào cờ nhưng không được đồng ý” - chị Bông nói thêm.

Ông Phạm Văn Núng, thành viên Ban chấp hành Hội Phụ huynh học sinh Trường tiểu học An Nhơn Đông, nói: khi biết thông tin trường nhận trẻ OVC, ban chấp hành đã cử đại diện lên xã, huyện hỏi và đều được trả lời là chủ trương chung. Ông Núng nói: “Chúng tôi không ghét bỏ các em nhưng làm sao để tránh lây nhiễm đó mới là vấn đề. Trẻ nhỏ chưa hiểu biết, chúng chạy nhảy, trầy xước sẽ lây bệnh cho nhau!”. Hai ngày qua, ông không cho con đi học. Theo ông Núng, nhà trường phải đưa ra các biện pháp phòng tránh để phụ huynh yên tâm.

Trẻ OVC ở lại trung tâm học tập.

“Con được dạy không chọc ghẹo bạn bè rồi mà”

“Trước khi đi học, con vui lắm vì sẽ được gặp bạn bè, thầy cô. Nhưng khi đến trường, tụi con hụt hẫng vì bị các bạn xa lánh. Giờ tụi con không được ra trường nữa!” - bé NLKT 13 tuổi, Trung tâm Mai Hòa, vừa khóc vừa nói với chúng tôi. Bé T. nói mặc dù ở trung tâm cũng được học nhưng ra trường học vui hơn nhiều.

Một bé khác tên VTH nói: “Con được dạy không chọc ghẹo bạn bè, không chơi những trò chơi nguy hiểm có thể gây trầy xước, chảy máu... khi đi học. Vì con biết mình mang bệnh hiểm nghèo nên phải bảo vệ mình và không được lây cho các bạn”.

Đại diện Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ OVC cho biết từ năm học trước, trung tâm đã nhiều lần gửi công văn xin chính quyền địa phương cho trẻ OVC hòa nhập cộng đồng bằng cách ra trường học. Tuy nhiên, do xin quá trễ nên huyện chỉ chấp nhận cho dạy trẻ tại trung tâm, chương trình dạy học do ngành giáo dục cung cấp. Năm nay, lúc đầu UBND huyện cho tám trẻ, sau đó cho 15 trẻ OVC ra trường hòa nhập cộng đồng (nếu hồ sơ đầy đủ), gồm: Bốn em học lớp 2, ba em học lớp 3, bốn em học lớp 4 và bốn em học lớp 5.

“Thế nhưng đến ngày nhập học, chúng tôi mới chỉ dẫn các em ra gặp ban giám hiệu đã gặp sự phản đối của phụ huynh. Chiều 17-8, UBND huyện Củ Chi đã gọi trung tâm ra để giải thích, đồng thời kêu gọi sự chia sẻ với địa phương” - đại diện Trung tâm Mai Hòa cho biết thêm.

Đại diện trung tâm cũng ước rằng chính quyền, ngành giáo dục đẩy mạnh truyền thông cho người dân hiểu, để cho trẻ OVC được hưởng tất cả quyền lợi của trẻ em như bao trẻ bình thường khác. Bởi nếu cuộc sống của chúng nhàm chán, quanh quẩn trong trung tâm thì chúng dễ dẫn đến suy kiệt mà chết. “Lỗi của chúng tôi là không phòng ngừa trước mọi chuyện nên cho các em rầm rộ ra trường” - đại diện Trung tâm Mai Hòa thừa nhận.

Chính quyền chịu thua

Chiều 18-8, bà Cao Thị Gái, Phó Chủ tịch UBND huyện Chủ Chi, cho biết đã có công văn gửi Ủy ban Phòng chống AIDS báo cáo tình hình xảy ra ở Trường tiểu học An Nhơn Đông và xin sự hỗ trợ truyền thông từ nơi này. Cũng theo bà Gái, huyện đã quyết định cho trẻ OVC Trung tâm Mai Hòa học tại trung tâm và cử giáo viên đến giảng dạy cho các em.

Tiến sĩ-bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM, cho rằng đây là một cuộc vận động đưa trẻ OVC đến trường. Việc phụ huynh phản đối, không cho con đi học, rút hồ sơ là hành động không đúng do chưa có kiến thức, chưa hiểu đúng pháp luật. Vấn đề này Ủy ban Phòng chống AIDS sẽ báo cáo lên UBND TP.HCM. “Phụ huynh học sinh không biết, không đồng tình do không được truyền thông. đó cũng là cái tệ của nhà trường, thể hiện sự chưa đạt trong quan hệ của nhà trường và địa phương” - bác sĩ Giang nói.

Bác sĩ Giang cũng cho biết Ủy ban Phòng chống AIDS sẽ tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền vận động, hướng dẫn thành một hệ thống từ chính quyền, ngành y tế đến giáo dục để xã hội từng bước hiểu, chấp nhận trẻ OVC hòa nhập cộng đồng, để các em được sống, học tập, sinh hoạt như bao đứa trẻ khác.

Kỳ thị, phân biệt người nhiễm HIV có thể bị phạt đến 30 triệu đồng

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết:

Theo Luật Phòng chống HIV/AIDS, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm nhưng chưa có sự đồng ý của người đó cũng bị coi là phạm pháp.

Các hành vi vi phạm trên có thể bị xử lý theo Nghị định 45/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Mức phạt tối đa sẽ là 10 triệu đồng/hành vi. Ngoài ra, nếu có hành vi đuổi học sinh, sinh viên vì lý do họ nhiễm HIV thì buộc ban giám hiệu trường đó phải nhận lại học sinh, sinh viên nhiễm HIV tiếp tục vào học. Theo Nghị định 45, thẩm quyền xử phạt thuộc thanh tra chuyên ngành về vệ sinh, khám bệnh, chữa bệnh và chủ tịch UBND các cấp.

TỐ NHƯ

Không lây nhiễm qua giao tiếp thông thường

Theo bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thế giới đã có khoảng 30 triệu người chết do HIV/AIDS và cũng có hơn 30 triệu người nhiễm căn bệnh này. Tuy nhiên, thực tế chưa thấy trẻ lây nhiễm HIV/AIDS qua đường giao tiếp thông thường. Trẻ nhiễm HIV/AIDS cào một đứa trẻ bình thường vẫn không lây nhiễm, trừ khi hai vết thương chảy máu tiếp xúc với nhau mới lây nhiễm!


Nước mắt ngày tựu trường


Náo nức đón chờ năm học mới nhưng trong ngày tựu trường, 15 học sinh, những trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng HIV/AIDS của Trung tâm Mai Hòa (huyện Củ Chi-TPHCM) đã phải trở về trong nước mắt

UBND huyện Củ Chi đã có văn bản chấp thuận cho 15 trẻ nhiễm và ảnh hưởng HIV/AIDS (trẻ OVC) ở Trung tâm Mai Hòa được học tại Trường Tiểu học An Nhơn Đông (xã An Nhơn Tây) từ năm học 2009. Được đến trường học như bao bạn bình thường khác là niềm mơ ước đối với các em, ngày tựu trường được chuẩn bị và mong ngóng hơn cả ngày tết. Thế nhưng...

“Sao không cho tụi con đi học?”

Ngày 17-8, khi đến tựu trường, các trẻ OVC đã nhận được sự phản đối của đa số phụ huynh Trường Tiểu học An Nhơn Đông. Nhiều phụ huynh tuyên bố: “Thà dốt còn hơn chết trẻ”, trong khi một số phụ huynh khác cho biết sẽ chuyển con sang trường khác học. 229 phụ huynh (trong tổng số 269 học sinh toàn trường) “dọa” sẽ rút hồ sơ nếu trường tiếp tục nhận trẻ OVC và ùn ùn dẫn con ra về.

Trước áp lực của phụ huynh học sinh, ban giám hiệu nhà trường đành phải cho 15 trẻ OVC ra về. Niềm vui mừng lần đầu được đến trường nhanh chóng bị dập tắt trong sự ngơ ngác và tủi thân của các em. Sơ Nguyễn Thị Bảo, người chăm sóc trẻ OVC, buồn rầu kể: Các cháu hỏi: “Sơ ơi, sao ba mẹ các bạn lại giận dữ với tụi con, sao ba mẹ các bạn không cho tụi con đi học, tụi con đâu có làm gì sai?”. Nhiều cháu bỏ cả cơm, chỉ biết khóc...

Đến sáng 18-8, một số phụ huynh học sinh vẫn tập trung ở cổng trường gây áp lực và xem các trẻ OVC có đến học hay không.

Để giải quyết vấn đề, chiều cùng ngày, UBND huyện đã làm việc với ban giám hiệu trường, đại diện phụ huynh học sinh và Trung tâm Mai Hòa và đi đến quyết định: Mở lại lớp học tại Trung tâm Mai Hòa. Bà Cao Thị Gái, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết để mùa tựu trường được suôn sẻ, tạm thời mở lại các lớp học trong Trung tâm Mai Hòa, mỗi thứ hai sẽ cho trẻ OVC ra trường dự chào cờ.

Nhiều phụ huynh tập trung ở cổng Trường Tiểu học An Nhơn Đông phản đối việc đưa trẻ nhiễm và ảnh hưởng HIV/AIDS (OVC) đến trường (ảnh chụp sáng 18-8)

Bên cạnh đó, tiếp tục thuyết phục phụ huynh đồng thuận để các trẻ sớm được đến trường, hòa nhập với bạn bè. “Huyện sẽ hỗ trợ giáo viên cũng như cơ sở vật chất để mở lớp tại trung tâm, đồng thời tạo mọi điều kiện để các em OVC được hòa nhập dần từ các hoạt động khác như vui Trung thu, Tết Thiếu nhi... Trẻ ở Mai Hòa và trẻ bình thường chỉ khác nhau ở địa điểm học mà thôi!” - bà Gái khẳng định.

Cần một sự cảm thông

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định: Chắc chắn các em sẽ được trở lại trường học, vì đó là quyền của các em, ngành giáo dục sẽ phối hợp với địa phương để vận động tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, mặt khác sẽ tập huấn thêm cho đội ngũ giáo viên của trường kỹ năng phòng chống và chăm sóc cho trẻ nhiễm để sẵn sàng tiếp nhận trẻ vào học.

Sở đã chỉ đạo cho Phòng Giáo dục huyện thực hiện các giải pháp để sớm đưa các em trở lại trường học. Các bậc phụ huynh nên yên tâm, vì các trường hiện nay đều được trang bị cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên được tập huấn kỹ càng biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS trong học đường.

Theo ông Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, luật pháp VN không cho phép phân biệt đối xử với những người bị HIV nhưng chưa thể dùng biện pháp chế tài để các trẻ ở Trung tâm Mai Hòa được trở lại trường học. Sự việc vừa qua cho thấy người dân vẫn chưa nhận thức đúng về HIV/AIDS nên trước mắt, ngành sẽ tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận dần dần của các bậc phụ huynh.

Tuy nhiên, cần phải có thời gian, không thể một sớm một chiều mà có được sự đồng thuận này, khoa học đã chứng minh AIDS không lây qua giao tiếp thông thường giữa các trẻ khi sinh hoạt chung, trong thực tế cũng chưa từng ghi nhận trường hợp nào trẻ bị lây nhiễm HIV/AIDS qua những sinh hoạt chung. Vì thế, các bậc phụ huynh không nên lo lắng về nguy cơ con em sẽ mắc bệnh khi học chung với trẻ OVC. “Đừng nhẫn tâm giết chết trẻ bằng sự kỳ thị, vì các em cũng chỉ là những nạn nhân!”, ông Giang nói.


Thêm nhiều ổ cúm A/H1N1 trong trường học


Sự xuất hiện những ổ cúm A/H1N1 tại TPHCM buộc ngành y tế TP phải tăng cường tối đa giải pháp phòng chống dịch

Bộ Y tế cho biết trong ngày 18-8, VN ghi nhận thêm 65 người nhiễm cúm A/H1N1, trong đó miền Nam 49 ca, miền Bắc 3 ca và miền Trung 13 ca, nâng tổng số bệnh nhân cúm A/H1N1 lên 1.576 người - 2 ca tử vong.

Đẩy mạnh giám sát

Tối cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết TP vừa xuất hiện thêm nhiều ổ cúm A/H1N1 mới. Tại Trường THPT Tư thục Quốc Văn - Sài Gòn, đến ngày 18-8 đã có 15 học sinh nhiễm cúm A/H1N1. Ngay lập tức, bệnh viện (BV) dã chiến đã được triển khai thành lập tại trường này; đồng thời ngành y tế tiến hành cách ly, điều trị tại chỗ cho 32 người khác. Hiện hoạt động giảng dạy tại trường này được tạm ngưng.

Ngoài ổ cúm này, Trường Quân sự Quân khu 7 và Trường Trung học Kỹ thuật 3 ở quận Bình Thạnh cũng đã có 18 học sinh nhiễm cúm A/H1N1. Hiện số bệnh nhân này đang điều trị tại BV quận 7 và BV Nguyễn Trãi. Riêng ổ dịch tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong không phát hiện thêm ca nhiễm mới; sức khỏe 11 học sinh nhiễm cúm A/H1N1 trước đó đã ổn định.

Kiểm tra thân nhiệt học sinh để phát hiện cúm A/H1N1 tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1 - TPHCM) sáng 18-8. Ảnh: T.THẠNH

Trong ngày, BV Đa khoa khu vực Thủ Đức đã tiếp nhận một học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm. BV này cho biết cũng đang điều trị 11 bệnh nhân cúm A/H1N1, phần lớn là công nhân.

Tại cuộc họp với ngành y tế TPHCM diễn ra cùng ngày, đại diện Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế cho rằng sự xuất hiện những ổ dịch cúm A/H1N1 tại TP buộc ngành y tế TP phải tăng cường tối đa giải pháp phòng chống. Cục cũng yêu cầu ngành y tế TPHCM đẩy mạnh việc giám sát, đặc biệt đối với những trường hợp nhiễm cúm và nhập viện điều trị...

Đoàn du lịch xuyên Việt: Thêm 11 ca cúm

Ngày 18-8, đã có thêm 122 cán bộ, giáo viên đoàn du lịch xuyên Việt của Trường CĐ Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn được trở về TPHCM sau khi xét nghiệm hai lần âm tính với cúm A/H1N1 và một số trường hợp xuất viện sau khi điều trị. Theo bác sĩ Vũ Đình Thiểm, tổ trưởng tổ giám sát, phòng chống dịch - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sau khi trở về TPHCM, những người này phải tiếp tục được cách ly thêm 7 ngày nữa. Đoàn cũng được khuyến cáo đeo khẩu trang và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với cộng đồng trên đường đi về TP.

Bác sĩ Thiểm cho biết kết quả xét nghiệm lần 2 đã phát hiện thêm 11 người trong đoàn du lịch này nhiễm cúm A/H1N1. Hiện vẫn còn 36 người trong đoàn nhiễm cúm A/H1N1 đang được cách ly điều trị tại Trường Cán bộ Hội Nông dân VN; 1 người tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia và một số giáo viên ở lại chăm sóc.

Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Quy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho biết một sinh viên của trường là em N.Đ.T đã được xác định dương tính với cúm A/H1N1, hiện đang cách ly điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Theo bà Quy, em T. có biểu hiện sốt và mệt mỏi từ ngày 13-8 nhưng chưa xác định nhiễm cúm A/H1N1 do trước đó T. không hề đi nước ngoài, không tiếp xúc với ai đi nước ngoài về hoặc đã nhiễm bệnh. Ngày 14-8, T. làm test nhanh tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, kết quả dương tính với cúm A/H1N1.

Phát hiện nhiều khẩu trang y tế không nguồn gốc

Nhiều công nhân, học sinh nhiễm cúm

Sáng 18-8, đoàn thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra đột xuất việc kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế tại một số cửa hàng thuốc khu vực phố Ngọc Khánh. Nhiều cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ chứng minh xuất xứ các mặt hàng khẩu trang bày bán. Toàn bộ số khẩu trang không rõ nguồn gốc đã được niêm phong chờ xử lý. Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết nếu phát hiện sai phạm, sở sẽ xử lý nghiêm để răn đe.

. Cùng ngày, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 4 công nhân nhiễm cúm A/H1N1 và đã cách ly điều trị. Số công nhân này đang làm việc tại Công ty Tân Á (KCX Linh Xuân, quận Thủ Đức – TPHCM) về ở trọ tại Bình Dương.

. Trong khi đó, Sở Y tế Long An cho biết em H.T.H.D, học sinh lớp 9/3 Trường THCS Võ Công Tồn, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, đã nhiễm cúm A/H1N1. D. bị lây bệnh do đến thăm một bệnh nhân cúm A/H1N1 điều trị ở BV Việt - Pháp (TPHCM). Hiện trường đã cho cả lớp 9/3 nghỉ học 7 ngày để tránh lây lan.

N.Dung - V.Hùng - H.Hùng

>>> Xem tất cả


Tử vong vì nhầm cồn xoa bóp là rượu thuốc


Nhầm cồn xóa bóp là rượu thuốc, hai người đàn ông đã lấy chai cồn pha rượu trắng để uống. Kết quả, hai nạn nhân tử vong.

Ngày 18/8/2009, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Tháp xác nhận hai anh Huỳnh Văn Kình (31 tuổi, ngụ P.6, TP Cao Lãnh) và Nguyễn Văn Linh (34 tuổi, ở xã Thuận Thới, TP Cao Lãnh) tử vong là do ngộ độc rượu.

Được biết, ngày 16/8, hai người mua rượu trắng về nhậu tại nhà và lấy một ít cồn xoa bóp (màu nâu sậm) pha vào cho có màu.

Khi nhậu xong cả hai người có biểu hiện mệt mỏi, nôn ói, co giật nên gia đình đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Sau đó cả hai người đã tử vong. Các bác sĩ chẩn đoán cả hai bị ngộ độc rượu mã tiền vì phát hiện có chất strychnin.

Trước đó, theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, từ ngày 9/6 đến ngày 21/6/2009, trên địa bàn tỉnh đã có trường hợp 16 trường hợp ngộ độc rượu và có 10 người tử vong.

N.T (tổng hợp)


Tư vấn miễn phí về các bệnh tuyến tiền liệt


(HNM) - Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh phổ biến ở nam giới khi bắt đầu bước vào tuổi 50. Khi bị phì đại, tuyến tiền liệt có thể chèn ép niệu đạo. Nếu không được điều trị, dẫn tới bí tiểu, nhiễm trùng tiểu, sỏi bàng quang và tắc nghẽn thận rồi suy thận.

Để giúp các bệnh nhân mắc các chứng bệnh liên quan tới tiết niệu (bàng quang, thận, đường tiết niệu) và nam khoa (tiền liệt tuyến, ung thư tinh hoàn, vô sinh) được tìm hiểu kỹ hơn về bệnh, bác sĩ James Tan, chuyên khoa Tiết niệu - Nam khoa hàng đầu thuộc Tập đoàn Y tế ParkwayHealth (Xin-ga-po) sẽ trực tiếp tư vấn miễn phí tại Hà Nội (Văn phòng đại diện Tập đoàn Y tế ParkwayHealth, tầng 5 số 91B phố Nguyễn Thái Học) trong 3 ngày từ 21 đến 23-8. Bệnh nhân có thể gọi số điện thoại 04. 3747 27 29/30 - 3747 4442 để đăng ký tham gia tư vấn.

Đức Trung


Xa quá đường đến trường


TT - Sáng 18-8, một ngày sau sự cố phụ huynh không cho con vào lớp để phản đối việc nhà trường cho 15 trẻ nhiễm HIV học hòa nhập trong năm học mới, toàn Trường tiểu học An Nhơn Tây (Củ Chi, TP.HCM) chỉ có 98 em tới lớp. Sân trường hiu hắt.

Học trò không ồn ã chơi đùa như mọi khi vì mỗi lớp chỉ lèo tèo 5-10 em. Thầy Đ., giáo viên dạy lớp 3, cho biết sau khi nhà trường chuyển học sinh nhiễm HIV trở lại Trung tâm Mai Hòa, một số phụ huynh đã bắt đầu đưa con quay lại lớp.

Thầy Nguyễn Văn Chẩn, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Sáng 17-8, lẽ ra toàn trường sẽ bước vào chương trình năm học mới nhưng khi phụ huynh phát hiện các em từ Trung tâm Mai Hòa vào học chung lớp, nhiều phụ huynh lập tức vào trường đưa con ra khỏi lớp, khiến các phụ huynh khác cũng có hành động tương tự. 255 học sinh có mặt tại trường lần lượt theo bố mẹ ra về, chỉ còn lại 44 học sinh”. Mặc dù nhà trường cố thuyết phục nhưng phụ huynh vẫn không chấp nhận.

15 học sinh nói trên đang học từ lớp 2 đến lớp 5 ngay tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV Mai Hòa. Có hai giáo viên đứng lớp, chia các em thành ba nhóm lớp, có lớp học ghép để đảm bảo đủ giáo viên. Hằng tuần, các em vẫn được các xơ đưa qua chào cờ, sinh hoạt tại trường, tham gia các chương trình vui chơi, tham quan do nhà trường tổ chức. Kết quả học tập của các em do Trường tiểu học An Nhơn Tây bảo trợ. Kể từ năm học 2009-2010, sau khi đề xuất và được sự đồng ý của Phòng giáo dục - đào tạo và UBND huyện Củ Chi, nhà trường mới có kế hoạch chuyển 15 em này về học hòa nhập ngay tại trường.

Thầy Chẩn tâm tư: “Đứng ở góc độ người thầy, học sinh nào cũng như nhau, cũng được tới lớp, được học hành. Song đây là vấn đề khá nhạy cảm, xã hội chưa dễ chấp nhận. Điều chúng tôi lo ngại nhất là các em sẽ bị tổn thương. Các em còn nhỏ đã biết gì đâu...”.

Thanh Tuyền - một em từ Trung tâm Mai Hòa - thổ lộ: “Tối bữa trước tụi em rất vui. Bình thường 8g đã ngủ nhưng tối đó tới hơn 9g mới ngủ. Em nằm mà cứ tưởng tượng sáng mai đến trường sẽ như thế nào? Được ngồi ở bàn ghế đàng hoàng, được gặp thầy cô, bạn mới... Em thích được nghe tiếng trống trường, được đứng trước cổng trường lắm... Học ở đó sẽ có rất nhiều bạn bè, có nhiều thầy cô, được học hỏi nhiều, được thi đua với các bạn nữa... Em muốn có cảm giác được tới trường”. Nhưng em đã không có được giấc mơ đó.

Nguyễn Lê Kim Trinh, cô bé 13 tuổi người Đà Lạt, gương mặt đẹp như thiên thần. Tuổi thơ của em là những chuỗi ngày không bình yên. “Ba chết, em ở với mẹ. Mẹ mất thì em vào đây. Em không biết ông bà nội - ngoại của em đâu” - em hồn nhiên kể.

Còn Thùy Duyên, cô bé 12 tuổi đến từ phố biển Nha Trang, mẹ mất lúc Duyên mới 3 tuổi. Bốn anh chị em của Duyên chỉ có anh Hai không bị nhiễm, đang được các thầy của một mái ấm ở Nha Trang nuôi dưỡng. Chị Ba và em Út của Duyên đã chết từ lâu.

Duyên kể: “Khi mẹ của em chết, chỉ có bà nội dám tới chăm em thôi. Em và bà nội đi bán vé số nuôi nhau. Bán vé số mệt lắm. Em cứ phải đi bộ suốt, mời mỏi miệng mới có người mua”. Cô bé nói: “Chỉ khi ra ngoài trường em mới buồn thôi. Thấy mình bị hắt hủi... Tụi em đi tới đâu người ta dồn lại xì xầm bàn tán, nhìn tụi em quá trời rồi dạt ra tránh đường”.

Còn Thanh Tuyền, cô bé mà ngay cả đến nơi mình sinh ra cũng không biết, lại là một câu chuyện khác. Ba mất khi Thanh Tuyền mới 5 tuổi. Lên 8 tuổi, mẹ cũng theo cha ra đi, bỏ lại hai chị em Tuyền côi cút trên cõi đời. Năm nay Tuyền vào lớp 5, còn em gái vào lớp 4.

Đã có trường hợp được hòa nhập

Cô Phạm Thị Tiết Hạnh, thường trực ban chỉ đạo giáo dục đặc biệt Sở GD-ĐT TP.HCM, trăn trở: “Chủ trương của ngành là cho trẻ nhiễm HIV học hòa nhập với trẻ bình thường, nhưng thường gặp khó khăn do xã hội còn kỳ thị với trẻ mắc bệnh. Từng xảy ra một trường hợp tương tự tại một trường tiểu học ở Thủ Đức. Ban đầu phụ huynh cũng một mực phản đối nhưng sau khi hiệu trưởng tổ chức gặp gỡ, phân tích và nói rõ về quyền trẻ em và các biện pháp phòng ngừa, phụ huynh đã dần hiểu và chấp nhận trẻ học hòa nhập”.

Từ năm 2006, các xơ của trung tâm đã có ý định đưa các em ra trường học nhưng không thực hiện được. Năm 2007, UBND huyện Củ Chi đồng ý cho mở lớp học tại trung tâm. Chương trình, sách giáo khoa lấy từ Trường tiểu học An Nhơn Đông (huyện Củ Chi). Từ năm 2007, các em đã được tham gia buổi chào cờ tại Trường tiểu học An Nhơn Đông. Năm 2008, các xơ lại đến một số trường tiểu học để xin cho năm em vào học. Lại bị từ chối. “Chúng tôi phải nhờ một người quen ở Gò Vấp cho tạm trú rồi xin cho năm cháu vào một trường ở Gò Vấp học. Nhưng bây giờ các cháu đều ở trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi nên cần gần gũi với chúng tôi để còn tiện tâm sự, nói chuyện với tụi nhỏ nên phải chuyển về đây” - xơ Bảo cho biết.

Cô Phạm Thị Tiết Hạnh, thường trực ban chỉ đạo giáo dục đặc biệt Sở GD-ĐT TP.HCM, trăn trở: “Chủ trương của ngành là cho trẻ nhiễm HIV học hòa nhập với trẻ bình thường, nhưng thường gặp khó khăn do xã hội còn kỳ thị với trẻ mắc bệnh. Từng xảy ra một trường hợp tương tự tại một trường tiểu học ở Thủ Đức. Ban đầu phụ huynh cũng một mực phản đối nhưng sau khi hiệu trưởng tổ chức gặp gỡ, phân tích và nói rõ về quyền trẻ em và các biện pháp phòng ngừa, phụ huynh đã dần hiểu và chấp nhận trẻ học hòa nhập”.

“Tối bữa trước đứa nào cũng nao nức dữ lắm. Lúc chúng tôi đang chuẩn bị sách vở, bút viết cho các con, đứa nào cũng háo hức hỏi sách của con đâu, quần áo của con đâu? 5g30 các cháu đã dậy rồi. Mấy xơ chưa chuẩn bị xong đã thấy tụi nhỏ đeo cặp sách, thay quần áo đi học chỉnh tề rồi.

Khi đến trường, các cháu leo lên xích đu chơi đùa rất hồn nhiên. Đứa nào cũng vui vì nghĩ sắp được vào lớp học. Nhưng cuối cùng phụ huynh phản ứng dữ quá. Thấy họ đổ dồn ánh mắt nhìn và dạt ra tránh đường, tôi thương các con quá, đau nhói lòng nhưng không dám nói sợ tụi nhỏ buồn...”.

Xơ Bảo thở dài: “Thật ra làm sao trách họ được. Chúng tôi rất buồn nếu các con của mình không được đi học như bao đứa trẻ khác. Nếu vì 15 đứa con của mình mà ảnh hưởng đến hơn 200 đứa trẻ khác thì... khó nghĩ quá. Nhưng...”.

“Từ trưa qua đến giờ các cháu cứ hỏi “Có tin gì không dì?” làm tôi thương quá, không muốn nói nhưng vẫn phải nói. Khi biết tin có thể vẫn phải học ở trong trung tâm, các cháu òa lên khóc” - xơ Bảo rưng rưng nói.

Trả lời những băn khoăn này, ông Lê Trường Giang - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phó chủ tịch thường trực Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM - nói xét về mặt tâm lý, nhận thức của xã hội, việc phụ huynh lo lắng là điều có thể chia sẻ. Tuy nhiên, về mặt thực tế và khoa học thì chưa có cơ sở.

Theo ông Trường Giang, trong nước bọt không có đủ hàm lượng virus HIV để lây nhiễm và nguy cơ lây nhiễm cực kỳ thấp. Việc lây nhiễm chỉ xảy ra khi có một hàm lượng virus rất lớn xâm nhập vào một vùng bị tổn thương lớn (chích ma túy, truyền máu...). Trong trường hợp một học sinh bị nhiễm HIV có vết thương chảy máu và máu của học sinh bị nhiễm này lại dính vào vết thương hở hoặc vết thương đang chảy máu của học sinh không bị nhiễm thì nguy cơ lây nhiễm cũng rất thấp, vì nếu hai vết thương cùng chảy máu, về nguyên tắc máu đang chảy là máu chảy ra nên virus HIV khó có thể xâm nhập vào cơ thể; nếu trẻ không nhiễm HIV mà có vết thương thì chắc chắn phụ huynh, giáo viên, nhà trường sẽ chăm sóc, băng bó vết thương cho trẻ trước đó.

Ông Trường Giang cũng khẳng định: từ khi thế giới phát hiện dịch HIV/AIDS đến nay đã mấy mươi năm, về mặt lý thuyết, khoa học đã chứng minh HIV chỉ lây qua ba đường: máu, tình dục, mẹ truyền qua con (khi mang thai, sinh con, cho con bú). HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường như ăn uống chung, bắt tay, ôm hôn, tắm chung hồ bơi.

Còn thực tế đến nay trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp trẻ em nào bị lây nhiễm HIV qua đường tiếp xúc thông thường. Trẻ em không nhiễm và có nhiễm HIV vẫn sống chung, học chung với nhau và đến nay không ghi nhận trường hợp nào bị lây nhiễm trong môi trường học đường.

Theo ông Trường Giang, hiện nay nhu cầu đến trường của trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi nhiễm HIV ngày càng tăng, nhưng do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, nhiều trường, nhiều phụ huynh không chấp nhận cho con em mình học chung với trẻ nhiễm. Vì vậy, số trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS khi đến trường phải giấu nhân thân, phải học trường ở xa địa phương, trường tư, các lớp học tình thương, các lớp do các tôn giáo phụ trách.

Trước thực tế này, nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 vừa qua, Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM đã tổ chức chiến dịch truyền thông kêu gọi trách nhiệm và tình thương của xã hội đối với trẻ nhiễm HIV, kêu gọi sự đồng thuận đưa trẻ đến trường với thông điệp “trường của em, bạn của em”, góp phần giảm sự kỳ thị của xã hội đối với trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.


Hút mỡ dành cho đối tượng nào?


Những người đang mắc một số bệnh mãn tính không được thực hiện phẫu thuật này.

Vợ tôi muốn đi hút mỡ bụng nhưng tôi không đồng ý vì cho rằng không quan trọng mà lại nguy hiểm đến sức khỏe nhưng vợ tôi cứ nhất quyết đòi thực hiện phẫu thuật này. Xin hỏi bác sĩ, những người như thế nào mới đủ tiêu chuẩn để hút mỡ? (Nguyễn Đức Định - Tp.HCM)

Trả lời:

Chỉ nên hút mỡ trong những trường hợp sau:

- Có những vùng tế bào mỡ tập trung hơi khó coi mà tiết chế ăn uống và vận động thể thao không xóa đi được.

- Có sức nặng cơ thể trung bình hoặc trên trung bình khoảng 10kg.

- Da tương đối còn rắn chắc và đàn hồi, vì hút mỡ không làm căng mặt da.

- Có sức khỏe tốt, vận động thường xuyên.

- Tuổi lý tưởng là từ 18-35 tuổi. Thực ra tuổi tác không là vấn đề quyết định, tuy nhiên ở tuổi quá cao, da thường không còn tính đàn hồi lại hơi võng xệ, nhăn nheo. Do đó, kết quả không được mỹ mãn như ở giới trẻ với làn da rắn chắc mịn căng.

- Những người đang có bệnh mãn tính như bệnh tim phổi, tiểu đường, cao huyết áp, viêm tế bào da, dị ứng với lidocain-chất được dùng gây tê, đang dùng các thuốc làm loãng máu nâng spirin, ibuprofen không được thực hiện phẫu thuật.

Ths.Bs.Nguyễn Đình Tuấn (Bệnh viện đa khoa Phổ Quang - Tp.HCM)


Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Hai người chết vì uống rượu pha cồn xoa bóp


TT - Ngày 18-8, bác sĩ Võ Công Đoàn, chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Sở Y tế Đồng Tháp, cho biết tại TP Cao Lãnh vừa xảy ra hai trường hợp tử vong sau khi uống rượu.

Trước đó, hai ông Huỳnh Văn Kình, ngụ phường 6 và Nguyễn Văn Linh, ngụ xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh cùng nhậu với hai người bạn. Tưởng chai thuốc cồn xoa bóp là rượu thuốc nên họ pha thêm rượu để uống. Sau đó tất cả đều chóng mặt, co giật, vật vã, khó thở... và được chuyển đến bệnh viện. Hai ông Kình và Linh tử vong, hai người còn lại vẫn đang nằm cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp.

Bác sĩ Đoàn cho rằng chai thuốc cồn xoa bóp nói trên có chứa mã tiền hàm lượng cao. Nguyên nhân chính gây tử vong là do ngộ độc mã tiền, ngoài ra cũng không loại trừ cồn xoa bóp có methanol làm chết người.


Cả chục bệnh nhân phải sơ tán vì cháy


Chiều 18/8, một đám cháy lớn bốc cao từ khu vực 2 xưởng sản xuất bếp gas mini và dầu chống thấm ở phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, TP HCM. Hơn 10 bệnh nhân đang điều trị ở trạm y tế kế bên phải di chuyển ra ngoài tránh lửa.

Toàn bộ nhà xưởng của 2 cơ sở bị đổ sập. Ảnh:

Ngọn lửa bùng phát từ nhà xưởng chuyên sản xuất dầu chai dùng trám ghe gỗ, do ông Dương Văn Minh làm chủ. Lúc này, bên trong xưởng của ông Minh có 14 công nhân đang làm việc đã bỏ chạy tán loạn. Sau đó, ngọn lửa lan nhanh sang nhà xưởng của cơ sở sản xuất lắp ráp bếp gas Hiệp Bình của ông Trần Quốc Anh.

Khu vực hỏa hoạn chứa nhiều nguyên vật liệu dễ cháy nên lửa bốc cao dữ dội và có nguy cơ cháy lan sang khu vực Trạm Y tế phường Hiệp Bình Phước nằm sát bên cạnh. Tám nhân viên của trạm y tế phối hợp dân phòng vội sơ tán hơn 10 bệnh nhân ra ngoài. Mọi người đã sử dụng bình CO2 chữa cháy nhưng ngọn lửa bốc quá cao kèm khói nên không thể cứu chữa.

Toàn bộ sản phẩm trong các xưởng sản xuất đều bị thiêu rụi. Ảnh:

Sau đó, 3 xe chữa cháy chuyên dụng và hơn 30 cảnh sát cứu hỏa của quận 9 đến hiện trường ứng cứu. Do ngọn lửa quá lớn kèm theo những chất dễ cháy nên làm toàn bộ nhà xưởng nơi đây đổ sập. Lực lượng chữa cháy phải chia ra nhiều mũi chữa cháy để tiếp cận ngọn lửa. Sau 2 giờ bùng phát, đám cháy được dập tắt.

Vụ cháy không gây thương vong nhưng thiêu rụi hơn 200m2 nhà xưởng của 2 cơ sở trên, gồm hàng trăm ký dầu chai, hơn 200 bếp gas mini thành phẩm cùng nhiều linh kiện sản xuất bếp gas. Ước tính giá trị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Rất may lực lượng chữa cháy đến kịp thời phong tỏa không cho đám cháy lây lan qua khu vực Trạm y tế phường Hiệp Bình Phước và hàng chục nhà dân xung quanh khu vực này.

An Nhơn


61 người trong thôn ngộ độc vì ăn cà pháo


Trưa 17/8, tại thôn Cù Tu, xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đã xảy ra vụ ngộ độc thức ăn tập thể, làm 61 người phải cấp cứu tại trạm y tế địa phương.

Những người bị ngộ độc đều có triệu chứng sốt cao, đau bụng, đi ngoài nhiều lần, nôn, đau đầu, choáng váng... Trạm y tế xã đã sơ cứu, phân loại và chuyển hơn 20 bệnh nhân bị nặng lên Trung tâm y tế huyện Ân Thi.

Do được cấp cứu kịp thời, đến buổi chiều các bệnh nhân đều qua cơn nguy kịch. Bước đầu điều tra, cơ quan chức năng đã xác định các gia đình có người bị ngộ độc đã mua cà pháo muối xổi của ông Hoàng Đình Khang ở cùng thôn về ăn trưa. Sau khi ăn thì bị ngộ độc.

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên đã lấy mẫu thức ăn, xét nghiệm để làm rõ.

Hoàng Việt


Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo Bộ Y tế tìm hiểu, đánh giá hiệu quả bài thuốc cai nghiện


Báo CAND cuối tuần có đăng bài "Tự cai bằng thuốc bí truyền sau 32 năm nghiện ma túy" phản ánh việc ông Lang Liu, dân tộc Thái (hiện trú tại xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đã cai nghiện thành công cho bản thân và nhiều người bằng bài thuốc gia truyền; nay vì tuổi đã cao, sức yếu nên muốn truyền lại bài thuốc này cho cơ quan Nhà nước để cai cho những người nghiện.

>> Tự cai bằng thuốc bí truyền sau 32 năm nghiện ma túy

Trước đó, Chuyên đề An ninh thế giới có đăng bài "Căn cứ khoa học của thuốc cai nghiện Thiên Thanh Hoàn" của Tiến sĩ Dư Đình Động, Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy Bộ Công an, nói về bài thuốc cai nghiện có hiệu quả nhưng thiếu kinh phí để nghiên cứu, sản xuất. Thời gian qua, hai bài báo này được dư luận đặc biệt quan tâm. Tòa soạn Báo CAND liên tục nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi về những thông tin liên quan.

Trước vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm, ngày 17/8, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5596 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm như sau: Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan tìm hiểu, đánh giá bài thuốc cai nghiện; từ đó đề xuất, kiến nghị cụ thể, báo cáo Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trước ngày 10/9/2009


Bệnh mạch vành


Gần đây, theo tổ chức y tế thế giới (WHO), bệnh tim mạch đang ngày càng tăng nhanh, đặc biệt là bệnh tim mạch ở phụ nữ. Đó là do quan niệm sai lầm về bệnh lý này, cho rằng bệnh tim mạch chỉ xuất hiện ở nam giới. Nhưng thực tế lại không như vậy.

Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 500.000 phụ nữ chết vì căn bệnh mạch vành. Còn tại Việt Nam, Viện Tim Mạch TW cũng có những tổng kết dựa trên số bệnh nhân đến khám và chữa bệnh tại viện. Mỗi ngày, viện có thêm vài bệnh nhân mạch vành mới, trong đó, số phụ nữ mắc bệnh mạch vành không hề ít. Năm 2003, bệnh nhân động mạch vành chỉ chiếm 11,2% bệnh nhân vào viện thì năm 2005 lên tới 28,8% và năm 2007 mức 24%. Và do những suy nghĩ chủ quan, rất nhiều chị để bệnh nặng, mới bắt đầu đến khám.

Thực tế, động mạch vành là động mạch nuôi tim. Bệnh lý động mạch vành xảy ra khi các mảng xơ vữa bít dần mạch máu. Trong trường hợp mảng xơ vừa nứt ra cộng với máu đông gây tắc đột ngột mạch máu, bệnh nhân sẽ bị nhồi máu cơ tim. Một số triệu chứng chung của bệnh là khó chịu trong lồng ngực (triệu chứng thường gặp nhất) và đau thắt lưng, đau nhói ở lồng ngực, dễ mệt, hạ huyết áo, khó thở... Với nữ giới thì triệu chứng chủ yếu thường là nhói đau ở ngực, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn...

Những người coi thường bệnh

Trong một cuộc phỏng vấn nhanh những người đến khám tại Bệnh viện Tim TP. HCM, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các chị đều chủ quan với những biểu hiện của bệnh. Và, rất nhiều chị để bệnh trở nặng, việc điều trị khó khăn hơn nhiều mới bắt đầu đến khám.

Hãy phòng bệnh tim mạch bằng sữa đậu nành

Chị Quách Mỹ Phương, 37 tuổi, (Học Lạc, Q.5) cho biết khoảng một năm trở lại đây, chị thường có các triệu chứng mệt mỏi trong khi chị phải đẩy xe hàng trên quãng đường không quá 500m. Khoảng hai tháng gần đây lại thêm cảm giác khó thở, tức ngực nên chị mới sắp xếp công việc để đi khám. Chẩn đoán ban đầu là chị bị xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Bác sĩ nhắc nhở đây có thể là triệu chứng của bệnh mạch vành, nếu không có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, bệnh sẽ ngày một nặng.

Chị Trần Thị Tư, 48 tuổi, quê Cao Lãnh, Đồng Tháp lại có những biểu hiện khác. Cuối năm 2008, chị thường vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt. Lúc đầu chị nghĩ là những đợt cảm thông thường nên chị uống qua loa thuốc cảm. Sau tết, chị cảm thấy người càng ngày càng yếu hơn, lại thêm khó thở, tim đập nhanh và đặc biệt là ở ngực thường có những cơn đau nhói bất thường, sau đó đau lan dần sang vai và tay trái, đau nhức khó chịu đến mức chỉ muốn chặt cánh tay cho xong. Bác sĩ chẩn đoán chị bị bệnh mạch vành, nguy cơ nhồi máu cơ tim cao và đã có một số dấu hiệu bệnh nặng hơn, có thể xảy ra trường hợp đợt cấp suy tim mãn.

Chị Hồ Thu Hồng, 42 tuổi (Sư Vạn Hạnh, Q.10) thường bị mệt mỏi, chóng mặt, đau nhói ở lồng ngực khoảng 6 tháng nay. Cách đây một tháng, chị mới đi điện tâm đồ, kết quả xác định chị bệnh mạch vành, suy tim, máu nhiễm mỡ, nếu không có phương pháp điều trị cũng như sinh hoạt thích hợp bệnh ngày sẽ một nặng hơn, có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Chị Trần Thị Quế Lan, 40 tuổi, là giáo viên dạy ngữ văn lớp 10 trường Lê Quý Đôn, Q.3. Cách đây một năm khi còn đi dạy, chị thường cảm thấy chóng mặt, vã mồ hôi, đặc biệt khi ngẩng đầu lên để viết bảng chị thấy chóng mặt, trời đất quay tít, tim đập nhanh, mỗi lần như vậy chị phải ngồi lại và thở đều. Bác sĩ kết luận, đây là triệu chứng của bệnh mạch vành, suy tim, mỡ máu cao. Sau một năm điều trị, bệnh có đỡ hơn nhưng gia đình cũng phải chi những khoản tiền lớn để chữa trị cho chị.

Phát hiện sớm để tăng chất lượng cuộc sống

Có một sai lầm mà ai cũng nghĩ bệnh tim mạch là "đặc quyền" của nam giới, trong khi nếu cũng béo phì, cao huyết áp thì tỉ lệ nữ gặp các bệnh lý tim mạch không kém nam giới. Đó là nhận định của thạc sỹ, bác sĩ Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tim mạch VN.

Ngay cả khi chưa có triệu chứng của bệnh, những người có yếu tố nguy cơ nên đi thăm khắm định kỳ 6 tháng/lần để được phát hiện bệnh sớm. Trường hợp bệnh nhẹ, được can thiệp sớm hoặc được điều trị bằng thuốc, thay đổi lối sống, chất lượng sống của bệnh nhân sẽ tăng. Nếu để bệnh diễn biến nặng, khi đã ở mức suy tim, cho dù có can thiệp thì sức khỏe bệnh nhân cũng không hồi phục hoàn toàn. Ví dụ mỗi khi bệnh nhân gắng sức, cả về thể chất và tinh thần, đều bị khó thở, chất lượng sống sẽ giảm.

Có lối sống lành mạnh cũng là một cách dự phòng hiệu quả. Theo TS Hùng, đã có nghiên cứu tại Mỹ cho thấy ba năm sau khi thực hiện cấm hút thuốc lá nơi công cộng, tỉ lệ người có bệnh lý tim mạch giảm hẳn. Đó là do tác hại của thuốc lá tới người hút thuốc lá thụ động cũng mạnh không kém so với người hút thuốc trực tiếp. Tại những gia đình có người hút thuốc, có khi người xung quanh như vợ, con... còn bị ảnh hưởng nặng hơn!

Phòng bệnh bằng sữa đậu nành

Theo Phó Giáo sư Lê Bạch Mai, Viện phó Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam, ở các nước Châu Á, sữa đậu nành luôn được xem như một loại thức uống "kỳ diệu" bởi đậu nành giàu đạm và acid amin thiết yếu, nhiều vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6) và vitamin E, giàu các khoáng chất Ca, Fe, Mg, K, Na. Ngoài ra, đậu nành còn chứa hoạt chất isoflavone có tác dụng rất tốt với phụ nữ. Không chỉ rất tốt cho hệ tim mạch, cũng cần nói thêm là đậu nành có rất ít bột đường nên cũng có lợi cho những bệnh nhân thừa cân, béo phì hay đái tháo đường - những căn bệnh vốn là "anh em họ hàng" với bệnh tim mạch. Sữa đậu nành giúp làm giảm cholesterol xấu trong máu (LDL), răng cholesterol tốt cơ lợi (HDL), giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Ngoài ra, sữa đậu nành còn làm giảm xơ vữa động mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não... Sữa đậu nành giúp trách sự tích tụ mỡ ở vùng bụng, một hiện tượng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt với phụ nữ ở tuổi mãn kinh.

Ngoài ra, hoạt chất isoflavones, một dạng estrogen thực vật, có trong đậu nành cũng giúp ổn định huyết áp, giảm các khó chịu của thời kỳ tiền mãn kinh và gia tăng hấp thu calci, ngăn quá trình loãng xương làm giảm nguy cơ gãy xương. Trung bình mỗi ngày nên dùng khoảng 25 gr đậu nành, hoặc có thể uống hai hộp sữa đậu nành đều có tác dụng tốt cho sức khỏe tim mạch của phụ nữ.

Khi lối sống hiện đại với một chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý đang khiến cho nhiều trái tim phải làm việc quá sức và số người mắc các bệnh lý tim mạch răng cao, thì sữa đậu nành có thể xem là một trong những cách ngừa bệnh hiệu quả, thân thiện và ít tốn kém. Tuy nhiên, hiện nay, khi mà vấn đề an toàn thực phẩm đang được đặt lên hàng đầu, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng bạn nên lựa chọn những loại sữa đậu nành tiệt trùng được chế biến theo công nghệ hiện đại.

Công nghệ tiệt trùng (UHT - Ultra High Temperature) xử lý sản phẩm đậu nành ở nhiệt độ cao (138 - 140 độ C) trong 5 giây, sau đó làm lạnh nhanh chóng, giúp giữ lại tối đa hương vị và giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Bao bì giấy tiệt trùng được tạo thành từ các lớp nguyên liệu đa dạng, kết hợp các đặc tính tốt nhất của giấy, nhôm và nhựa giúp sữa đậu nành không bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài (ánh sáng, độ ẩm, quá trình ôxy hóa...). Sữa đậu nành tiệt trùng và đóng gói trong bao bì giấy vì thế có thể tươi ngon trong một thời gian dài mà không cần đến bất kỳ một chất bảo quản nào.

Theo Minh Nguyễn


Hai người thiệt mạng do uống nhầm cồn xoa bóp


Sáng 18/8, bác sĩ Đoàn Văn Hồng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, cho biết cơ quan chức năng đang lấy mẫu cồn xoa bóp cùng mẫu rượu để xét nghiệm tìm nguyên nhân chết của 2 nạn nhân sau khi uống cồn pha rượu nói trên.

Ngày 17/8, hai nạn nhân trên cùng hai người khác ngồi nhậu. Do nhầm chai cồn xóa bóp là rượu thuốc nên những người trong bàn đã lấy chai cồn này pha rượu để uống.

Kết quả là Huỳnh Văn Kình (ngụ phường 6, TP Cao Lãnh) và Nguyễn Văn Linh (ngụ xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh) đã chết, hai trường hợp còn lại đang được cấp cứu.

Bác sĩ Hồng cho biết cồn xoa bóp là một loại chất độc, chứa nhiều methanol, chỉ dùng để xoa bóp ngoài da.

Theo V. Sơn

Báo Pháp luật TPHCM


Vai trò gia đình trong việc phòng, chống dịch cúm ở trường học là rất lớn


Chưa bao giờ dịch cúm A (H1N1) lại diễn biến hết sức phức tạp và trực tiếp đe dọa sức khỏe con em chúng ta như năm học năm nay. Cùng với việc đầu tư mọi điều kiện tốt nhất cho con, em mình học tập, cần nhận thức mỗi gia đình đều có vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng, chống dịch cúm ở trường học.

Học sinh trường tiểu học quốc tế Á Châu trong lớp học

Thấy rõ tính chất và mức độ nguy hại của dịch cúm A (H1N1) có thể lây lan rộng trong cộng đồng, nhất là trong trường học, ngay từ khi chuẩn bị bước vào khai giảng năm học mới, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, các ngành có liên quan và các đia phương chỉ đạo các trường học làm vệ sinh môi trường, tổ chức tổng vệ sinh tất cả các cơ sở, trường học hiện có. Cùng với việc làm trên, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn học sinh và cha mẹ học sinh về dịch cúm A (H!N1)và các biện pháp phòng ngừa.

Tình hình dịch cúm A ( H1N1) hiện thời đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và trong nước nhất là từ hơn một tháng trở lại đây, bệnh này đã “ tiến công” vào trường học đúng lúc đã đến thời điểm tập trung học sinh để chuẩn bị bước vào năm học mới. Tuy không hoang mang, nhưng chúng ta đều ý thức rằng, nguy cơ lây lan trong cộng đồng, nhất là trong trường học là rất lớn. Tại một số cơ sỏ, trường học ở thành phố Hà Nôi, TP Hồ Chi Minh...khi xuất hiện mốt số ổ dịch, các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ với nhà trường làm tốt công tác khoanh vùng, kịp thời xử lý ổ dịch, vì vậy ổ dịch đã được dập tắt. Tuy vậy, công tác phòng ngừa dịch bệnh ở một số cơ sở, trường học vẫn còn không ít kẽ hở. Một số gia đình, cha mẹ, phụ huynh học sinh, chẳng những chủ quan mà còn có ý đùn đẩy trách nhiệm cho rằng, công tác phòng, chống dịch là của nhà trường, của các thầy giáo, cô giáo và ngành Y tế! Có trường khi xuất hiện học sinh mắc cúm, cha mẹ các em lại chưa tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về cách ly. Nhiều bậc phụ huynh học sinh, chưa cùng nhà trường thực hiện đúng các biện pháp vệ sinh môi trường, dễ tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan .Công tác y tế học đường còn nhiều bất cập, nhiều trường chưa có bác sĩ hoặc nhân viên y tế, thiếu trang bị tủ thuốc tại chỗ, do đó rất khó theo dõi phát hiện kịp thời những trường hợp nhiễm cúm để xử lý dịch bệnh.

Xuất phát từ tình hình trên. mỗi gia đình, cha mẹ, các bậc phụ huynh học sinh cần ý thức rằng: gia đình có vai trò, nhiều khi mang ý nghĩa có tính quyết định trong việc phòng, chống dịch bênh cho con em minh. Vì trong thực tế cho thấy, không ai chăm sóc con tốt bằng bố mẹ. Để góp phần cùng với nhà trường, các cơ quan chức năng, cộng đồng xã hội phòng và chống dịch cúm cho con em mình trong nhà trường, mỗi bậc cha, mẹ, phụ huynh học sinh nên đề cao hơn nữa ý thức và tinh thần trách nhiệm trong việc quan tâm chăm sóc con em minh hàng giời, hàng ngày. Trước mắt mỗi người hãy tự nâng cao sự hiểu biết của mình về dịch bệnh cúm A ( H1N1). Tự mình, từng giờ, từng ngày phải theo chặt chẽ sức khỏe của con em mình.Nếu phát hiện thấy các dấu hiệu không bình thường, có biểu hiện sốt cao, không để các em đến trường nữa mà phải đưa các em đến bệnh viện để theo dõi và xử lý kịp thời. Hàng ngày, phải giúp các em thực hiện tốt các biện pháp, những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới như: che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi, có khẩu trang bảo vệ cá nhân; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, phòng làm việc, lau chùi bề mặt đồ dùng, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường...

Dịch cúm A (H1N1)đang diễn biến ngày càng phức tạp, ngày khai trường của các em học sinh đang đến gần, đòi hỏi mỗi gia đình, các bậc phụ huynh học sinh cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm tự chăm sóc bảo vệ con em mình, đó là cách đóng góp thiết thực nhất trong việc phòng, chống dịch trong trường học hiện nay.


Cả nước quyết liệt phòng chống cúm A/H1N1 (19/08/2009)


Chiều 18/8, Bộ Y tế thông báo trong ngày, Việt Nam đã ghi nhận thêm 65 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1.

Cả nước quyết liệt phòng chống cúm A/H1N1

Cùng ngày, tại cuộc giao ban báo chí Bộ TT-TT, đại diện Bộ Y tế cho biết, hầu hết các ca cúm A/H1N1 ở Việt Nam hiện nay ở thể nhẹ và có thể cách ly, điều trị tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Hiện nay các cơ sở của ngành y tế vẫn đáp ứng được yêu cầu điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 do đó Bộ Y tế chưa khuyến cáo người dân điều trị tại nhà như một số nước trên thế giới đã thực hiện. Người dân nên đến khám và điều trị tại cơ sở y tế gần nhất, những trường hợp nặng, cơ sở y tế tuyến dưới sẽ chuyển lên tuyến trên điều trị.

Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, kết quả xét nghiệm lần 2 đã phát hiện thêm 11 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 tại đoàn du lịch của Trường CĐ Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn. Hiện nay còn 36 bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 của đoàn du lịch xuyên Việt này đang được điều trị cách ly tại Trường Cán bộ Hội Nông dân, Hà Nội và tại Viện truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia.

Ngoài ra, chiều cùng ngày, 122 cán bộ, giáo viên của đoàn du lịch xuyên Việt này đã được trở về địa phương sau khi xét nghiệm hai lần âm tính với cúm A/H1N1 và một số trường hợp xuất viện. Tuy nhiên, sau khi trở về TP.Hồ Chí Minh những thành viên trong đoàn này phải tiếp tục cách ly thêm 7 ngày nữa.

Ngày 18-8, kết quả xét nghiệm cho thấy 14 học sinh của Trường Quốc Văn - Sài Gòn đều nhiễm cúm A/H1N1. Ngay sau đó, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh tổ chức cách ly và điều trị cho 14 bệnh nhân trên và 18 học sinh khác có biểu hiện cúm ngay tại trường, tiến hành khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường.

Chiều qua, Sở Y tế TPHCM cũng cho biết, đã có thêm hai ổ dịch tại Trường Quân sự Quân khu 7 và Trường Trung học Kỹ thuật 3 ở quận Bình Thạnh đã có 18 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1. Tất cả số ca mắc của 2 trường trên đã được chuyển sang điều trị tại BV quận 7 và Nguyễn Trãi.

Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 lây lan rộng ra cộng đồng, hôm qua UBND TPHCM đã phát đi công văn chỉ đạo các sở, ngành triển khai kế hoạch phòng ngừa cúm A/H1N1. Theo đó, nguyên tắc và yêu cầu trong phòng, chống dịch là huy động sự tham gia tích cực và chủ động của toàn xã hội, nhất là vai trò của cá nhân và gia đình, trên cơ sở biết đủ, hiểu đúng, thực hành tốt các biện pháp dự phòng phổ quát và chủ động, các biện pháp xử trí khi bị nhiễm bệnh, khi dịch lây lan...

Chiều cùng ngày, tại tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 4 công nhân nhiễm cúm A/H1N1 và đã cách ly điều trị. 4 công nhân trên đang làm việc tại Công ty Tân Á (Khu chế xuất Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), nhưng về ở trọ tại Bình Dương.

Ngày 18/8, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã có cuộc kiểm tra đột xuất một số cửa hàng của Trung tâm dược phẩm Ngọc Khánh. Tại đây đoàn đã phát hiện nhiều sai phạm trong việc kinh doanh khẩu trang cúm A/H1N1.

Tại kiốt 10, Công ty TNHH Dược và Vật tư y tế trung tâm (C9 Ngọc Khánh), đoàn kiểm tra cũng đã phát hiện cửa hàng đang kinh doanh một loại khẩu trang y tế, số lượng khoảng 450 chiếc, được đóng thành từng gói ni lông 50 chiếc/gói, không hề có nhãn hiệu, ngày sản xuất, hạn sử dụng của khẩu trang.

Tại nhà thuốc số 3 của Chi nhánh Công ty TNHH Dược phẩm thương mại Thành Công, khi kiểm tra nguồn gốc của các mặt hàng khẩu trang đang bày bán thì cửa hàng không hề xuất trình được hóa đơn, giấy tờ chứng minh xuất xứ.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong toàn bộ số khẩu trang không rõ nguồn gốc được phát hiện tại các cửa hàng trên và yêu cầu chủ cửa hàng đến làm việc tại Sở Y tế Hà Nội.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết, sở sẽ căn cứ vào việc xuất trình các loại hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc khẩu trang của các cửa hàng thuốc để làm cơ sở xử lý, đồng thời tạo tâm lý cho người dân yên tâm, mua được đúng hàng, đúng giá, phục vụ công tác phòng chống dịch.

(Nhóm PV, SGGP)

Phun thuốc khử trùng trước mỗi chuyến bay

Từ nay các hãng hàng không sẽ phun thuốc khử trùng chuyên dụng liên tục giữa mỗi lần máy bay cất, hạ cánh. Ngành hàng không cũng trang bị thiết bị đo thân nhiệt điện tử trên tất cả các chuyến bay để hỗ trợ công tác kiểm tra thân nhiệt, bắt buộc đeo khẩu trang đối với tất cả phi công, tiếp viên trên máy bay và cả nhân viên làm việc tại khu vực sân bay.

Đồng thời, để góp phần hỗ trợ hành khách phòng chống dịch cúm, trên tất cả các chuyến bay, các hãng hàng không còn bố trí dự trữ sẵn khẩu trang đủ để phát cho toàn bộ hành khách trong trường hợp phát hiện có người bị nghi ngờ nhiễm cúm trên chuyến bay…

T.Tuyết


Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Đồng Tháp: 2 người chết do uống nhầm rượu xoa bóp


BS Đoàn Văn Hồng, GĐ Sở Y tế Đồng Tháp cho biết cơ quan chức năng đang tiến hành xét nghiệm mẫu cồn xoa bóp cùng mẫu rượu mà các nạn nhân đã uống, khiến 2 người tử vong.

Được biết, trong ngày 17/8, tại TP Cao Lãnh có một tiệc nhậu bốn người. Do nhầm tưởng cồn xoa bóp là rượu thuốc bổ nên những người trong bàn nhậu đã lấy chai cồn này pha vào rượu để uống.

Kết quả là Huỳnh Văn Kình (ngụ phường 6) và Nguyễn Văn Linh (ngụ xã Tịnh Thới) đều thuộc TP Cao Lãnh đã tử vong. Hai trường hợp còn lại vẫn đang được cấp cứu tại BVĐK Đồng Tháp. BS Hồng cho biết thêm, cồn xoa bóp là một loại chất độc, chứa nhiều Mêthanol chỉ dành để xoa bóp ngoài da, tuyệt nhiên không được uống.


Cẩn thận với khẩu trang chống dịch cúm không rõ nguồn gốc


(VH)- Sáng 18.8, Đoàn thanh tra của Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành thanh tra đột xuất về việc kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại một số cửa hàng thuốc tại khu vực chợ thuốc Ngọc Khánh.

Ngoài việc khẩu trang cùng loại nhưng giá bán mỗi nơi mỗi khác, có cửa hàng bán chênh nhau đến 200.000 đồng/hộp, đoàn thanh tra còn phát hiện khá nhiều khẩu trang y tế không có nguồn gốc, xuất xứ. Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở sẽ căn cứ vào việc xuất trình các loại hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc khẩu trang của các cửa hàng thuốc để làm cơ sở xử lý. Nếu có sai phạm, Sở sẽ xử lý nghiêm để răn đe, đồng thời tạo tâm lý cho người dân yên tâm, được mua đúng hàng, đúng giá, phục vụ công tác phòng chống dịch.

Kiểm tra tại nhà thuốc của công ty CP Dược phẩm V.T.Y Hà Nội (168 Ngọc Khánh), quầy hàng bày bán nhiều loại khẩu trang, phổ biến nhất là khẩu trang y tế thông thường và khẩu trang sợi hoạt tính Na No. Giá bán lẻ loại khẩu trang y tế là 2.000đ/ chiếc; khẩu trang sợi hoạt tính Na No nhập từ công ty TNHH TM và sản xuất Thiên Tân (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) có giá niêm yết là 30.000đ, theo nhân viên quầy hàng thì hiện được bán với giá 27.000đ/ chiếc.

Tuy nhiên điều đáng nói là tại nhà thuốc số 3 của chi nhánh công ty dược phẩm Thành Công (168 Ngọc Khánh), khi đoàn tiến hành kiểm tra nguồn gốc của các mặt hàng khẩu trang đang bày bán thì cửa hàng không hề xuất trình được hóa đơn, giấy tờ chứng minh xuất xứ các mặt hàng này. Đại diện cửa hàng lý giải rằng, cửa hàng liên hệ mua khẩu trang Leo và Kitty qua điện thoại, nơi sản xuất và cung cấp 2 loại hàng này là công ty TNHH Sao Minh (ở Hoàng Văn Thái – Hà Nội), do số lượng ít nên không ghi hóa đơn. Thế nhưng kiểm tra trên kệ đã tìm thấy hơn 40 chiếc khẩu trang hộp, gồm cả nhãn hiệu Leo và Kitty. Còn một số khẩu trang y tế thông thường, trong đó có cả loại khẩu trang in chữ Trung Quốc được đựng lẫn lộn trong hộp bán lẻ, đại diện cửa hàng không giải trình được nguồn gốc số hàng này mà vòng vo: “Đó là số hàng do nhân viên quầy thuốc mua, chủ yếu để nhân viên sử dụng khi bán hàng”..., dù trước đó chính cửa hàng cho biết số khẩu trang y tế này được bán lẻ với giá 1.200đ/ chiếc.

Đặc biệt, tại kiôt 10, Công ty TNHH Dược và vật tư y tế trung tâm (C9 Ngọc Khánh), đoàn kiểm tra đã phát hiện cửa hàng đang kinh doanh một loại khẩu trang y tế, số lượng khoảng 450 chiếc, được đóng gói nilon (50 chiếc/gói), không hề có một dòng chữ gì trên bao bì, từ tên nhãn hiệu sản phẩm đến ngày sản xuất, hạn sử dụng của khẩu trang. Theo nhân viên cửa hàng, số hàng này được đựng trong một thùng to (20 gói), bán với giá 300.000đ/ gói (6.000đ/ chiếc) nhưng... không nhớ rõ đó là nhãn hiệu khẩu trang gì vì không tìm thấy vỏ thùng đựng.

Về tình hình dịch, Cục Y tế dự phòng và Môi trường cho biết, ngày 18.8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 65 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (miền Nam: 49 ca, miền Bắc: 3 ca, miền Trung: 13 ca). Như vậy, tính đến 17 giờ ngày 18.8, Việt Nam đã ghi nhận 1576 trường hợp dương tính, 2 ca tử vong. Số bệnh nhân đã ra viện là 1073; 528 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Tập trung tuyên truyền để người dân tự phòng ngừa cúm A/H1N1

UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch phòng chống cúm A/H1N1 trong giai đoạn dịch đã lây lan trong cộng đồng và để chuẩn bị đối phó khi có đại dịch xảy ra. Theo kế hoạch, các giải pháp phòng chống dịch tập trung vào việc thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi để người dân thực hiện tốt việc tự phòng ngừa và bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng; giám sát phát hiện sớm ca bệnh và chùm ca bệnh nhằm ngăn ngừa sự bùng phát dịch, gia tăng nhanh số ca nhiễm bệnh, số ca nặng và tử vong; giám sát xử lý dịch đối với các ca bệnh, chùm ca bệnh, ổ dịch và giám sát sự biến đổi của virus; tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị tốt bệnh nhân cúm; phát triển các nguồn lực phục vụ hiệu quả cho hoạt động phòng chống dịch... Đ.Ngọc

Ngọc Nam

Ngoài việc khẩu trang cùng loại nhưng giá bán mỗi nơi mỗi khác, có cửa hàng bán chênh nhau đến 200.000 đồng/hộp, đoàn thanh tra còn phát hiện khá nhiều khẩu trang y tế không có nguồn gốc, xuất xứ. Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở sẽ căn cứ vào việc xuất trình các loại hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc khẩu trang của các cửa hàng thuốc để làm cơ sở xử lý. Nếu có sai phạm, Sở sẽ xử lý nghiêm để răn đe, đồng thời tạo tâm lý cho người dân yên tâm, được mua đúng hàng, đúng giá, phục vụ công tác phòng chống dịch.

Kiểm tra tại nhà thuốc của công ty CP Dược phẩm V.T.Y Hà Nội (168 Ngọc Khánh), quầy hàng bày bán nhiều loại khẩu trang, phổ biến nhất là khẩu trang y tế thông thường và khẩu trang sợi hoạt tính Na No. Giá bán lẻ loại khẩu trang y tế là 2.000đ/ chiếc; khẩu trang sợi hoạt tính Na No nhập từ công ty TNHH TM và sản xuất Thiên Tân (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) có giá niêm yết là 30.000đ, theo nhân viên quầy hàng thì hiện được bán với giá 27.000đ/ chiếc.

Tuy nhiên điều đáng nói là tại nhà thuốc số 3 của chi nhánh công ty dược phẩm Thành Công (168 Ngọc Khánh), khi đoàn tiến hành kiểm tra nguồn gốc của các mặt hàng khẩu trang đang bày bán thì cửa hàng không hề xuất trình được hóa đơn, giấy tờ chứng minh xuất xứ các mặt hàng này. Đại diện cửa hàng lý giải rằng, cửa hàng liên hệ mua khẩu trang Leo và Kitty qua điện thoại, nơi sản xuất và cung cấp 2 loại hàng này là công ty TNHH Sao Minh (ở Hoàng Văn Thái – Hà Nội), do số lượng ít nên không ghi hóa đơn. Thế nhưng kiểm tra trên kệ đã tìm thấy hơn 40 chiếc khẩu trang hộp, gồm cả nhãn hiệu Leo và Kitty. Còn một số khẩu trang y tế thông thường, trong đó có cả loại khẩu trang in chữ Trung Quốc được đựng lẫn lộn trong hộp bán lẻ, đại diện cửa hàng không giải trình được nguồn gốc số hàng này mà vòng vo: “Đó là số hàng do nhân viên quầy thuốc mua, chủ yếu để nhân viên sử dụng khi bán hàng”..., dù trước đó chính cửa hàng cho biết số khẩu trang y tế này được bán lẻ với giá 1.200đ/ chiếc.

Đặc biệt, tại kiôt 10, Công ty TNHH Dược và vật tư y tế trung tâm (C9 Ngọc Khánh), đoàn kiểm tra đã phát hiện cửa hàng đang kinh doanh một loại khẩu trang y tế, số lượng khoảng 450 chiếc, được đóng gói nilon (50 chiếc/gói), không hề có một dòng chữ gì trên bao bì, từ tên nhãn hiệu sản phẩm đến ngày sản xuất, hạn sử dụng của khẩu trang. Theo nhân viên cửa hàng, số hàng này được đựng trong một thùng to (20 gói), bán với giá 300.000đ/ gói (6.000đ/ chiếc) nhưng... không nhớ rõ đó là nhãn hiệu khẩu trang gì vì không tìm thấy vỏ thùng đựng.

Về tình hình dịch, Cục Y tế dự phòng và Môi trường cho biết, ngày 18.8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 65 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (miền Nam: 49 ca, miền Bắc: 3 ca, miền Trung: 13 ca). Như vậy, tính đến 17 giờ ngày 18.8, Việt Nam đã ghi nhận 1576 trường hợp dương tính, 2 ca tử vong. Số bệnh nhân đã ra viện là 1073; 528 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Tập trung tuyên truyền để người dân tự phòng ngừa cúm A/H1N1

UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch phòng chống cúm A/H1N1 trong giai đoạn dịch đã lây lan trong cộng đồng và để chuẩn bị đối phó khi có đại dịch xảy ra. Theo kế hoạch, các giải pháp phòng chống dịch tập trung vào việc thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi để người dân thực hiện tốt việc tự phòng ngừa và bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng; giám sát phát hiện sớm ca bệnh và chùm ca bệnh nhằm ngăn ngừa sự bùng phát dịch, gia tăng nhanh số ca nhiễm bệnh, số ca nặng và tử vong; giám sát xử lý dịch đối với các ca bệnh, chùm ca bệnh, ổ dịch và giám sát sự biến đổi của virus; tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị tốt bệnh nhân cúm; phát triển các nguồn lực phục vụ hiệu quả cho hoạt động phòng chống dịch... Đ.Ngọc


Văcxin ngừa ung thư cổ tử cung bị nghi ngờ tính an toàn


Một báo cáo của chính phủ Mỹ hôm nay nêu ra những nghi vấn mới về tính an toàn của văcxin ngừa ung thư cổ tử cung Gardasil, do có liên quan tới 32 ca tử vong không rõ nguyên nhân, cũng như có tỷ lệ bị ngất choáng và máu đóng cục cao hơn so với các văcxin khác.> Bắt đầu tiêm văcxin ngừa ung thư cổ tử cung cho trẻ em

Christina Tarsell tử vong 18 ngày sau khi tiêm hết 3 mũi văcxin ngừa ung thư cổ tử cung Gardasil. Mẹ cô cho rằng có thể văcxin này là thủ phạm. Ảnh:

Christina Tarsell, 21 tuổi, đã chết 18 ngày sau khi nhận mũi tiêm Gardasil cuối cùng (trong số 3 mũi). Mẹ của cô, Emily Tarsell tin rằng loại văcxin này có thể là thủ phạm gây ra cái chết của con gái mình.

"Người ta đề nghị dùng, nói rằng nó không có tác dụng phụ gì, rằng nó an toàn. Vì thế tôi đã bỏ qua bản năng của mình và để cho con bé tiêm chủng", bà mẹ nói.

Những cái chết như của Christina là một trong số vài dạng biến chứng được thông báo tới Hệ thống cảnh báo tai biến văc xin của Mỹ (VAERS), sau khi Gardasil được đưa ra thị trường vào năm 2006. Một vài người bị biến chứng nghiêm trọng như máu cục và rối loạn thần kinh, số khác bị tác dụng phụ nhẹ hơn như sốt, choáng ngất và buồn nôn.

Tháng 6 vừa qua, báo cáo của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết trong số hơn 25 triệu liều Gardasil (được chỉ định cho phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi) tại Mỹ, trung bình cứ mỗi 100.000 liều thì VAERS báo cáo có 53,9 ca phản ứng phụ. Trong số đó, 40% xảy ra trong ngày tiêm văc xin, và 6,2% bị phản ứng phụ nghiêm trọng, trong đó có 32 ca tử vong.

"Mặc dù số lượng các tai biến nghiêm trọng là nhỏ và hiếm, song chúng có thực và không thể bị bỏ sót hoặc lờ đi mà không nói rõ khả năng này với tất cả những người có nhu cầu tiêm chủng", tiến sĩ Diane Harper, trưởng Nhóm nghiên cứu phòng ngừa ung thư phụ khoa tại Đại học Missouri, cho biết. "Tỷ lệ các biến chứng nghiêm trọng còn cao hơn tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung".

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng cần xem xét lại tính chính xác của các thông báo từ VAERS, bởi chưa thể nói các ca tử vong có liên quan đến văcxin hay không. Trong một nghiên cứu khác của JAMA, 90% những người bị máu cục sau tiêm văcxin này đã có sẵn các yếu tố nguy cơ bị đóng cục trong máu, như uống thuốc tránh thai hay hút thuốc.

Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu cũng đang lưỡng lự trước việc những tai biến nguy hiểm nói trên - dù hiếm - có đủ để ngừng khuyến cáo sử dụng loại văcxin Gardasil cho đến khi có những điều tra thêm hay không.

Các chuyên gia cũng cho biết điều quan trọng mà mọi người cần nhớ khi tiêm văc xin là chúng không có tác dụng vĩnh viễn, chỉ có thể bảo vệ bạn từ 5 đến 7 năm, và chỉ với một số chủng virus có thể gây bệnh mà thôi.

Trong khi đó, theo tờ TVNZ của New Zealand, Bộ trưởng Y tế nước này cho biết đã ghi nhận vài trường hợp phản ứng phụ với văcxin ngừa ung thư cổ tử cung Gardasil, và đang theo dõi tính an toàn của nó.

Tại Việt Nam, hiện có hai văcxin ngừa ung thư cổ tử cung được cấp phép là Cervarix và Gardasil, trong đó Gardasil đang được Bộ Y tế thử nghiệm tiêm chủng cho các bé gái ở Thanh Hóa và Cần Thơ.

T. An (theo ABC)