Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Con tựu trường, cha mẹ vẫn canh cánh lo


(VietNamNet) - Trường học ở Hà Nội đã mở cửa trở lại, các bậc phụ huynh vẫn canh cánh nỗi lo con nhiễm cúm.

- Trường học ở Hà Nội đã mở cửa trở lại, các bậc phụ huynh chưa kịp vui mừng vì vừa thoát nỗi khổ tìm chỗ gửi con thì nỗi lo con nhiễm cúm lại canh cánh bên lòng, nhất là trong tình hình dịch vẫn “căng” như hiện nay.

Không thể để một mình con nghỉ học

Sáng đầu tuần, chị Nguyễn Thị Vân Anh, trú tại khu tập thể H3 Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) đem con đến lớp mà trong lòng vẫn thấp thỏm không yên. Suốt cả một tuần trời vật lộn tìm nơi trông cậu ấm 4 tuổi đã chấm dứt. Nhưng khi con đi học trở lại, nỗi lo con nhiễm cúm lại tăng lên từng ngày.

Gửi con đi học nhưng vẫn không yên tâm (Ảnh: VNN)

“Dịch bệnh đang phức tạp thế này, vẫn chưa thấy “hạ nhiệt” tí nào mà đưa con đến lớp thì không lo sao được. Mỗi cháu một thể trạng, một hoàn cảnh, không thể biết chắc là con mình có tránh được cúm hay không, kể cả các cô giáo có kiểm tra thân nhiệt trước khi cho các cháu vào lớp”, chị nói.

Các bé trong độ tuổi như con trai chị Vân Anh vẫn chưa hề có ý thức phòng bệnh, nhưng để các cháu nghỉ ở nhà là cả một vấn đề nên các bậc phụ huynh chỉ biết cầu trời cúm đừng xuất hiện ở lớp học, trường học của con mình.

“Tôi và chồng đã phải suy nghĩ, “đấu tranh” với nhau khá nhiều. Chồng đòi đem con gửi về quê cho an toàn. Nhưng suy đi tính lại, nếu nghỉ học dài thì con mình thiệt, sau này dễ thua kém bạn bè nên tôi vẫn “nhắm mắt” đưa con đến lớp. Chỉ cầu mong số mình may mắn, cúm không đến nơi con đang theo học”, chị Tạ Thu Hồng, gửi con tại trường Mầm non tư thục Họa Mi (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) chia sẻ.

Chị Nguyễn Hồng Khanh cũng có con gửi tại trường này vẫn đến trường của con vào sáng 17/8, nhưng chỉ đến… một mình để “thăm dò”. Nhìn các bé khác vẫn đến lớp, chị cũng sốt ruột. Nhưng vì có ông bà chăm con nên chị có thể cho con nghỉ thêm.

“Tôi cho con nghỉ để xem tình hình thế nào đã, đành hi sinh gần chục ngày tiền học phí của tháng này. Nếu một tuần tới mà trường lớp vẫn ổn định thì có khi tôi mới cho con đến lớp”, chị nói.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh có con học mẫu giáo dẫu sao vẫn còn một “đường lùi” là cho con nghỉ học, gửi ông bà hoặc để ở nhà. Nhưng với các gia đình đã có con học ở bậc tiểu học, trung học cơ sở, việc cho con nghỉ học không hề dễ dàng.

Chị Chu Thị Phương Liên, có con gái 7 tuổi đang theo học tại Trường Tiểu học Ngọc Khánh (quận Ba Đình) đưa con đến lớp nhưng không khỏi băn khoăn: “Cháu vào lớp 2 rồi, chương trình học chính khóa là bắt buộc, không nghỉ tùy tiện như lớp mẫu giáo được. Nhà trường có yêu cầu tập trung, cả lớp đi học, làm sao tôi có thể để con bé ở nhà? Sau này, lấy đâu ra lúc nào để học bù?”.

Nhất là tại những trường đã có học sinh nhiễm cúm, cha mẹ đưa con đến lớp vẫn chưa bớt sợ.

Anh Phạm Quốc Huy (khu đô thị Mỹ Đình II) tự lái ô tô đưa con trai đến Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm sáng 17/8, dù nhà trường có xe đưa đón học sinh. “Tôi lo là ngồi chung xe, thằng bé có thể bị nhiễm cúm. Biết là vào lớp nó sẽ chơi chung với các bạn, nhưng mình hạn chế được phần nào hay phần ấy”, anh nói.

Anh Huy càng sợ nếu con nhiễm cúm, cả gia đình cũng sẽ bị cách ly hoặc có thể cũng sẽ nhiễm bệnh theo. “Tôi làm kinh doanh, phải đi lại, gặp khách hàng, đối tác suốt ngày. Nếu phải “bó gối” một chỗ thì nguy hiểm lắm”, anh nói.

“Không thể nói trước có biện pháp nào mạnh mẽ hơn”

Ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường cho hay: “Bộ Y tế đã có 6 khuyến cáo chung cho toàn xã hội và 10 khuyến cáo riêng cho ngành giáo dục, cho học sinh, giáo viên, phụ huynh. Ngành y tế đã và đang làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo cho người dân, trong đó có các em học sinh, được an toàn trước dịch bệnh”.

Các bậc phụ huynh nên phối hợp với nhà trường thay vì quá lo lắng (Ảnh: VNN)

Ông Nga cho rằng các bậc phụ huynh lo lắng là chính đáng, và đây là mối lo chung của toàn xã hội nhưng phải thấy là trong thực tế, không ai biết trước được dịch cúm sẽ xuất hiện ở đâu.

“Cho nên, ngoài những biện pháp đang sử dụng hiện nay, không thể nói trước là có thể áp dụng biện pháp nào mạnh mẽ hơn, triệt để hơn để đem lại sự an toàn cho các em học sinh khi đến trường. Chúng ta chỉ có thể chuẩn bị thật tốt để nếu dịch xuất hiện ở đâu là sẽ đối phó được ngay ở đó”, ông Nga khẳng định.

Theo ông Nga, chính các bậc phụ huynh cũng không thể yên tâm khi để con nghỉ học và phải chấp nhận đưa con đến trường trong lo lắng. Để giảm bớt sự lo lắng này, họ không nên quá căng thẳng mà hãy bình tĩnh hợp tác với nhà trường, với y tế địa phương.

“Thấy các cháu sốt, ho là cho nghỉ học ngay, đeo khẩu trang và cách ly ở nhà, báo y tế cơ sở. Như vậy vừa đảm bảo sức khỏe cho con mình, cho gia đình mình và cho cộng đồng. Nếu áp dụng đúng những hướng dẫn, khuyến cáo, mọi việc đều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta”, ông Nga nói.

Ông Nga cho rằng các trường cần kiểm tra liên tục, thường xuyên công tác phòng chống cúm, kết hợp chặt chẽ với gia đình để theo dõi sức khỏe các em học sinh.

Trong thực tế, biện pháp “mạnh tay” nhất là ngừng hoạt động tại trường học đã được Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội áp dụng. Nhưng việc này cũng không thể kéo dài do ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành chương trình học của toàn ngành giáo dục, chưa kể những xáo trộn trong đời sống người dân.

Ông Mai Sỹ Nhật, trưởng phòng Học sinh – sinh viên (Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội) cho biết, trước khi tập trung học sinh chuẩn bị khai giảng năm học mới, Sở đã làm tất cả những việc cần thiết để phòng dịch.

“Toàn bộ các trường đã được tập huấn, các em học sinh cũng được tuyên truyền về dịch bệnh đầy đủ. Tất cả các trường học trên địa bàn thành phố đã được khử khuẩn, tổng vệ sinh sạch sẽ và được kiểm tra thường xuyên. Các trường học cũng được trang bị đầy đủ nhiệt kế, bổ sung cán bộ y tế…”, ông Nhật nói.

Cẩm Quyên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét