Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Hội chứng “nghiện” Internet: Đâu là thủ phạm?


Một số cuộc điều tra ước tính có tới 10% số người sử dụng Internet trẻ tại Trung Quốc là “con nghiện”, chủ yếu là nghiện game online.

Đầu tháng này, một cậu bé 15 tuổi thiệt mạng tại một “trại cai nghiện Iiternet” ở khu tự trị Choang Quảng Tây (miền Nam Trung Quốc). Nguyên nhân cái chết của Deng Senshan là bị những nhà điều trị đánh đập đến tử vong!

Một số đối tượng đã bị cảnh sát bắt giữ điều tra và sự cố trên một lần nữa làm dấy lên tranh luận ở Trung Quốc xung quanh một hội chứng thời đại - “nghiện internet”.

Câu hỏi làm trăn trở các nhà nghiên cứu xã hội Trung Quốc là tại sao nhiều thanh thiếu niên nước này lại bị ám ảnh bởi mạng đến thế?

Theo các nhà tâm lý học, những biểu hiện của chứng “nghiện” internet bao gồm thường xuyên online hơn 6 tiếng mỗi ngày, say mê chơi game, xem các trang đồi trụy hay lướt web chứ không chú tâm vào làm việc hay học hành, bực bội và giận dữ khi không online được.

Từ tâm trạng hài lòng khi con cái mình say mê ngồi trước máy tính, cánh cổng đến với tri thức nhân loại, giờ đây giới phụ huynh ở Trung Quốc đang ngày càng lo lắng. Không ít người phải chọn giải pháp kiên quyết là gửi con đến những “trại cai nghiện” như nơi đã diễn ra cái chết của Deng Senshan.

Tại các trung tâm điều trị chứng nghiện Internet này, nhiều liệu pháp “kỳ dị” chưa qua kiểm nghiệm khoa học vẫn được dùng bừa bãi. Hồi tháng 7, Bộ Y tế Trung Quốc đã phải ra chỉ thị cấm một bệnh viện ở tỉnh Sơn Đông nước này dùng liệu pháp “sốc điện” trong điều trị chứng nghiện Internet.

Những trò chơi không có lỗi

Ai đáng bị lên án cho vấn đề ngày càng lan rộng trong giới trẻ này? Phải chăng là do các nhà sản xuất game online đang liên tục quảng bá cho những game hấp dẫn, lôi kéo thanh thiếu niên? Không phải họ. Xã hội không đơn giản lên án các công ty rượu là thủ phạm gây ra tình trạng nghiện rượu. Xã hội cũng không thuần túy chỉ trích các công ty thuốc lá khi ai đó mua một gói thuốc.

Ở đây, nạn nhân dường như chính là thủ phạm. Và không chỉ các thanh thiếu niên đang sống dán mắt vào màn hình máy tính mà cả gia đình họ cũng góp phần khiến căn bệnh nghiện internet lây lan.

Đặc biệt ở những thành phố lớn tại Trung Quốc, những “quý tử” ra đời trong chính sách dân số một con được nhận sự cưng chiều quá mức của bố mẹ, ông bà. Họ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu sách của con cái, cho phép chúng chơi game cả ngày trong khi lơ là bài vở hay các bổn phận gia đình.

Tâm lý đền bù cho trẻ một cuộc sống hưởng thụ thoải mái mà chính cha mẹ chúng đã không thể có ở thời thơ ấu đang hình thành một thế hệ “con nghiện” đáng báo động. Khi thấy trẻ ngày càng bị lôi cuốn bởi Internet, phụ huynh lại ngần ngại uốn nắn vì sợ bị cho “tàn nhẫn” với con, sợ đánh mất hình ảnh gia đình.

Và một câu hỏi lớn khác là tại sao thanh thiếu niên lại chìm đắm vào internet, vào những trò chơi ảo đến mức bị hủy hoại cả cuộc sống như thế? Đơn thuần không chỉ là vì vui vẻ. Nhiều nhà tâm lý học châu Á cũng như phương Tây chỉ ra hai nguyên nhân chính cho tâm lý ném mình vào mạng như vậy.

Thứ nhất là khát khao thể hiện ảnh hưởng và giá trị trong xã hội. Nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc học hành cả ngày, không có thời gian tụ tập với bạn bè. Ngoài trường học, một số thậm chí chưa bao giờ có quan hệ với những bạn bè cùng tuổi. Họ thường được “áp tải” đến trường rồi về nhà bởi cha, hoặc mẹ, hoặc ông bà.

Trong khi đó, ở những game online, người chơi thường mang tính đồng đội, cùng chiến đấu và phụ thuộc lẫn nhau. Họ dễ dàng tìm được các “game thủ” cùng độ tuổi để kết bạn dù chỉ là ảo.

Thứ hai là khuynh hướng trốn chạy khỏi thực tế. Nhiều con nghiện internet là những người ngoài đời phải đối mặt với nhiều sức ép từ cha mẹ, từ các giáo viên. Một số không phải là sinh viên, học sinh xuất sắc hay tài năng. Chính vì thế, họ càng bức bối hơn bởi gánh nặng tâm lý khi chịu quá nhiều kỳ vọng.

Ngược lại, trong các game online, họ có thể giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác, luôn tràn trề cảm giác hưng phấn về tài nghệ của mình. Hoặc họ có thể thoát ly hiện tại bằng cách hóa thân vào những nhân vật thần tiên trong thế giới ảo, làm những điều họ không thể làm trong cuộc sống thật.

Phê phán những trò chơi sẽ không giúp ích gì. Thanh thiếu niên có thể chuyển sang các chứng nghiện và cách trốn chạy khác nguy hiểm hơn nhiều như rượu, ma túy, tiệc tùng…

Gửi họ đến những trung tâm cai nghiện cũng không đủ, đặc biệt khi các trung tâm này sử dụng những liệu pháp mạnh tay như…đánh đập với quan điểm đơn giản rằng các con nghiện internet chẳng qua chỉ là lũ trẻ lười biếng, vô kỷ luật cần khép vào khuôn khổ!

Thực tế, chứng nghiện này phức tạp hơn nhiều và mang cả các yếu tố xã hội, thời đại. Đa số các chuyên gia y tế Trung Quốc cho rằng điều trị y tế, tâm lý chỉ là một phần mà còn cần sự chăm sóc, yêu thương của phụ huynh, bạn bè và trường lớp với những “con nghiện” đặc biệt này./.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét