Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Người Hàn Quốc ở Việt Nam - Bài 4: Những người tốt bụng


Ngoài công việc mưu sinh hằng ngày, cộng đồng người Hàn Quốc (HQ) còn đứng ra vận động, giúp đỡ người nghèo VN từ khắp mọi miền đất nước...

Bệnh viện tình thương

Đầu thập niên 1990, tiến sĩ Lee Yoon Woo đến VN với vai trò Thư ký Hiệp hội Phúc lợi xã hội HQ làm công tác từ thiện. Đi nhiều nơi, cuối cùng phái đoàn của ông Lee chọn Nam Định để kêu gọi xây dựng bệnh viện. "Khi đi qua địa phương này thấy có quá nhiều thương bệnh binh và trẻ em bị nhiễm chất độc da cam sống hết sức khổ cực. Hơn nữa, ông chủ tịch hiệp hội là người lính HQ từng tham chiến ở VN nên khi nghe chúng tôi gợi ý xây dựng bệnh viện nhằm bù đắp phần nào nỗi đau thương mất mát cho dân, thì lập tức nhận được sự đồng ý" - tiến sĩ Lee nhớ lại.

Các bác sĩ HQ tham gia phẫu thuật cho trẻ em bị hở hàm ếch - Ảnh: H.Tuấn

Năm 1994 Bệnh viện tình thương Nam Định được khởi công xây dựng với quy mô 100 giường, kinh phí lên đến 500.000 USD. Được giao nhiệm vụ theo dõi việc xây dựng, tiến sĩ Lee Yoon Woo tự dịch ra cho mình cái tên VN: Lý Nhuận Vũ và ông học tiếng Việt 6 tháng từ Hoa hậu Bùi Bích Phương, rồi sau đó ông tự mày mò học thêm trong sách.

Năm 1997, bệnh viện được khánh thành, đón nhận những bệnh nhân nghèo ở khu vực miền Bắc đến khám chữa bệnh miễn phí. "Bệnh nhân đến hơn 800 ca, nên chúng tôi phải thường xuyên đưa bác sĩ HQ qua tham gia phẫu thuật cho người tàn tật, trẻ em hở hàm ếch... Đến nay, bệnh viện này đã giao lại cho phía VN (tháng 1.2009 đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa TP Nam Định - PV), chỉ lâu lâu tổ chức qua khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo" - ông Lee nói.

Không riêng Nam Định, ông Lee còn đi đến nhiều địa phương để giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ học phí cho nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Bản tính ít nói, nhưng đằng sau gương mặt trầm lặng là sự đồng cảm của ông với nỗi đau của người khác. Ông kể, có lần đi thăm trẻ em bị nhiễm chất độc da cam, đã bị mất ngủ cả tháng bởi: "Cứ bị hình ảnh của các em ám ảnh vì tôi đã từng đọc sách báo về vấn đề này, nhưng tôi lại không ngờ thực tế còn bi thương hơn nhiều", ông nói.

Với sự đóng góp của mình, ngày 15.5.2007, tiến sĩ Lee Yoon Woo hân hạnh được Bộ Y tế trao kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân.

"Đường dây nóng" ở HQ

Rành tiếng Việt, am hiểu pháp luật, ông Lee còn đứng ra làm cầu nối giúp đỡ cho rất nhiều lao động VN tại HQ. "Tôi còn nhớ lần đầu tiên, một người VN gọi điện đến báo có người bạn lao động tại HQ tên Tuấn bị thiệt mạng do tai nạn giao thông đang cần sự giúp đỡ. Lúc đó tuyết rơi dày đặc, nhưng tôi vẫn cố gắng lái xe chạy đến hiện trường. Nhờ biết tiếng Việt, tôi đứng ra giải quyết với chính quyền, đưa người xấu số về quê nhà an táng, rồi sau đó làm việc với bảo hiểm xã hội đòi quyền lợi cho người lao động". Sau sự việc ấy, "tiếng đồn lan ra trong cộng đồng người VN tại HQ" - ông Lee cười nhớ lại.

Năm 2007, vợ chồng chị Phạm Thị Thảo (tỉnh Bình Dương) sang HQ lao động, ôm đứa con trai Nguyễn Ngọc Hưng bị ung thư máu tìm đến nhà ông. "Họ trình bày cháu Hưng cần điều trị căn bệnh nan y, nhưng phía bệnh viện đưa ra khoảng 70.000 USD, gia đình thì đang gặp khó khăn. Không chậm trễ, tôi đề nghị hiệp hội và kêu gọi thêm lòng hảo tâm của các mạnh thường quân hỗ trợ. Không ngờ, vài ngày sau số tiền quyên góp có đủ, cháu Hưng được đưa ngay vô bệnh viện điều trị và được cứu sống" - ông Lee kể.

Anh Lê Văn Ph., ở Gò Vấp (TP.HCM) cũng từng đến HQ lao động, thì phát hiện bị ung thư tinh hoàn. "Khi ấy tinh thần tôi suy sụp, ngoài đồng lương ít ỏi chỉ vừa đủ sống thì lấy đâu ra tiền để điều trị. Qua giới thiệu, vợ chồng tôi đánh liều tìm đến ông Lee, không ngờ lại được giúp đỡ khoảng 20.000 USD. Nếu không có sự giúp đỡ của ông Lee, chưa biết số phận tôi lúc này như thế nào" - anh Ph. cảm kích.

Chưa hết, nhiều trường hợp bị tai nạn (cụt tay, cụt chân...), ông Lee đích thân tìm đến can thiệp, đòi quyền lợi cho người lao động VN, có trường hợp nhận được tiền bảo hiểm lên đến 130.000 USD.

Một ngày đầu tháng 8, ngồi với ông tại một khách sạn sang trọng tại TP.HCM, ông Lee cho biết, hằng tháng đều đến VN để làm công tác từ thiện của hiệp hội. Ông tâm sự: "Đó chỉ là một chút tình cho quê hương thứ hai".

Hết lòng vì người nghèo

Từng làm giám đốc một công ty du lịch tại TP.HCM, năm 1995-1996 ông Cho Myung Cheol cùng với bạn bè xây dựng 2 ngôi trường mẫu giáo tình thương tại Lương Hòa (H.Giồng Trôm, Bến Tre) và Phú Túc (H.Định Quán, Đồng Nai) để cho trẻ em nghèo trong vùng thuận tiện đến trường.

Khi chuyển qua làm Giám đốc tổ chức Hosanna (một tổ chức phi chính phủ) tại VN, năm 2002 ông Cho đầu tư cho tỉnh Bến Tre từ 40.000 - 50.000 USD/năm mua 2.000 bồn lọc nước sạch, 1.000 bình chứa nước bằng inox cấp cho dân nghèo các xã Lương Hòa, Tân Lợi Thạnh, Thạnh Phú Đông. Cũng trong thời gian này, Hosanna đã tặng cho dân nghèo ở Bến Tre 300 căn nhà tình thương (mỗi căn trị giá 6-7 triệu đồng). "Ngày trước, bản thân tôi cũng không có tiền để đi học. Có người thấy vậy nên giúp đỡ mình, giờ đây có điều kiện mình lại giúp người khác mất chi đâu!", ông Cho chia sẻ. Và năm 2006, vị công dân HQ này đã hân hạnh được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tặng bằng khen.

Còn ông bà mục sư Shin Chung Woo thì thường tổ chức những chuyến đi khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc ở Bình Phước. Năm 2005, khi khám bệnh, phát hiện một bệnh nhân bị viêm tủy xương ống quyển, ông bà mục sư đưa sang Bệnh viện Kwang Ju (HQ) điều trị một năm. Đích thân bà Shin ở hẳn trong bệnh viện suốt 12 tháng để nuôi bệnh nhân. Bà nói: "Tôi yêu người VN nên tôi sẵn sàng vì mọi người, còn bà con dân tộc nghèo thiểu số, nhiều người bị bệnh nan y khó có thể chữa trị được vì kinh tế cũng khó khăn".

Tương tự, ông Bea Joung Ju, Giám đốc Hiệp hội Taekwondo HQ tại VN đã nhận được rất nhiều bằng khen của Long An, Tiền Giang, Phú Yên, TP.HCM... về công tác từ thiện. Ông Bea cho biết: "Mỗi năm Hội vận động các thành viên đóng góp kinh phí để xây dựng nhà tình thương cho người nghèo. Đến nay đã có hàng trăm căn nhà tình thương được xây dựng". (Còn tiếp)

Hoàng Tuấn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét