Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Trường tiểu học An Nhơn Đông: 15 trẻ có HIV/AIDS tắc đường hòa nhập - lỗi do ai?


Hôm qua (18-8), nhiều phụ huynh vẫn chưa chịu cho con em đến trường trong khi các cháu có HIV/AIDS phải trở về trong nước mắt tủi thân.

Khi chúng tôi hỏi về Trường tiểu học An Nhơn Đông có trẻ nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (gọi tắt là trẻ OVC) thì một người dân trả lời ngay: “Trường đó dạy trẻ OVC, ai dám cho con đi học!”.

Những giọt nước mắt thơ ngây

Chị Phương bán tạp hóa, nhà đối diện cổng trường, kể: Ngày 17-8, từ 6 giờ 30 sáng, phụ huynh đã đưa con em tụ tập rất đông trước cổng trường nhưng không vào. Họ bàn tán xôn xao, phản đối trường nhận trẻ OVC. Có rất nhiều trẻ đứng trước cổng trường la lớn: “Con không học chung với mấy đứa sida đâu”.

Đến 7 giờ sáng, khi 15 trẻ OVC được các xơ Trung tâm Mai Hòa dẫn đến, bọn trẻ và phụ huynh nháo nhào tránh đường và la lối!

“Tôi thấy phụ huynh làm quá, tụi trẻ nó có biết gì đâu. Mấy em bên Trung tâm Mai Hòa đứa nào đứa nấy ra về khóc bù lu bù loa, tội nghiệp!” - chị Phương kể tiếp.

Chị Lê Kim Hoàng có con gái vào lớp 1, nói cách đây ba, bốn hôm, khi nghe tin có trẻ OVC học ở đây, chị đã chạy qua trường xin rút hồ sơ chuyển trường cho con nhưng không được chấp nhận. Ngày nhập học, chị cho con bé nghỉ. đến sáng 18-8, thấy trẻ OVC không đến trường nữa, chị mới cho con qua trường.

Thà con tôi ngu!

“Tôi chấp nhận cho con nghỉ học một năm, thà con tôi ngu. Tôi thấy mấy đứa OVC bị ghẻ nên rất sợ!” - chị Ngô Thị Bông, phụ huynh của hai đứa con đang học tại Trường tiểu học An Nhơn Đông, nói. Theo chị Bông, từ đầu năm học, nhà trường chưa hề thông báo cho phụ huynh biết gì về trẻ OVC học trong trường. Đùng một cái, cách đây hai, ba hôm nghe tin, chị cũng chạy đi rút hồ sơ chuyển trường nhưng không được. “Năm ngoái, tôi làm ban chấp hành hội phụ huynh học sinh và phản đối cho trẻ OVC đến trường chào cờ nhưng không được đồng ý” - chị Bông nói thêm.

Ông Phạm Văn Núng, thành viên Ban chấp hành Hội Phụ huynh học sinh Trường tiểu học An Nhơn Đông, nói: khi biết thông tin trường nhận trẻ OVC, ban chấp hành đã cử đại diện lên xã, huyện hỏi và đều được trả lời là chủ trương chung. Ông Núng nói: “Chúng tôi không ghét bỏ các em nhưng làm sao để tránh lây nhiễm đó mới là vấn đề. Trẻ nhỏ chưa hiểu biết, chúng chạy nhảy, trầy xước sẽ lây bệnh cho nhau!”. Hai ngày qua, ông không cho con đi học. Theo ông Núng, nhà trường phải đưa ra các biện pháp phòng tránh để phụ huynh yên tâm.

Trẻ OVC ở lại trung tâm học tập.

“Con được dạy không chọc ghẹo bạn bè rồi mà”

“Trước khi đi học, con vui lắm vì sẽ được gặp bạn bè, thầy cô. Nhưng khi đến trường, tụi con hụt hẫng vì bị các bạn xa lánh. Giờ tụi con không được ra trường nữa!” - bé NLKT 13 tuổi, Trung tâm Mai Hòa, vừa khóc vừa nói với chúng tôi. Bé T. nói mặc dù ở trung tâm cũng được học nhưng ra trường học vui hơn nhiều.

Một bé khác tên VTH nói: “Con được dạy không chọc ghẹo bạn bè, không chơi những trò chơi nguy hiểm có thể gây trầy xước, chảy máu... khi đi học. Vì con biết mình mang bệnh hiểm nghèo nên phải bảo vệ mình và không được lây cho các bạn”.

Đại diện Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ OVC cho biết từ năm học trước, trung tâm đã nhiều lần gửi công văn xin chính quyền địa phương cho trẻ OVC hòa nhập cộng đồng bằng cách ra trường học. Tuy nhiên, do xin quá trễ nên huyện chỉ chấp nhận cho dạy trẻ tại trung tâm, chương trình dạy học do ngành giáo dục cung cấp. Năm nay, lúc đầu UBND huyện cho tám trẻ, sau đó cho 15 trẻ OVC ra trường hòa nhập cộng đồng (nếu hồ sơ đầy đủ), gồm: Bốn em học lớp 2, ba em học lớp 3, bốn em học lớp 4 và bốn em học lớp 5.

“Thế nhưng đến ngày nhập học, chúng tôi mới chỉ dẫn các em ra gặp ban giám hiệu đã gặp sự phản đối của phụ huynh. Chiều 17-8, UBND huyện Củ Chi đã gọi trung tâm ra để giải thích, đồng thời kêu gọi sự chia sẻ với địa phương” - đại diện Trung tâm Mai Hòa cho biết thêm.

Đại diện trung tâm cũng ước rằng chính quyền, ngành giáo dục đẩy mạnh truyền thông cho người dân hiểu, để cho trẻ OVC được hưởng tất cả quyền lợi của trẻ em như bao trẻ bình thường khác. Bởi nếu cuộc sống của chúng nhàm chán, quanh quẩn trong trung tâm thì chúng dễ dẫn đến suy kiệt mà chết. “Lỗi của chúng tôi là không phòng ngừa trước mọi chuyện nên cho các em rầm rộ ra trường” - đại diện Trung tâm Mai Hòa thừa nhận.

Chính quyền chịu thua

Chiều 18-8, bà Cao Thị Gái, Phó Chủ tịch UBND huyện Chủ Chi, cho biết đã có công văn gửi Ủy ban Phòng chống AIDS báo cáo tình hình xảy ra ở Trường tiểu học An Nhơn Đông và xin sự hỗ trợ truyền thông từ nơi này. Cũng theo bà Gái, huyện đã quyết định cho trẻ OVC Trung tâm Mai Hòa học tại trung tâm và cử giáo viên đến giảng dạy cho các em.

Tiến sĩ-bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM, cho rằng đây là một cuộc vận động đưa trẻ OVC đến trường. Việc phụ huynh phản đối, không cho con đi học, rút hồ sơ là hành động không đúng do chưa có kiến thức, chưa hiểu đúng pháp luật. Vấn đề này Ủy ban Phòng chống AIDS sẽ báo cáo lên UBND TP.HCM. “Phụ huynh học sinh không biết, không đồng tình do không được truyền thông. đó cũng là cái tệ của nhà trường, thể hiện sự chưa đạt trong quan hệ của nhà trường và địa phương” - bác sĩ Giang nói.

Bác sĩ Giang cũng cho biết Ủy ban Phòng chống AIDS sẽ tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền vận động, hướng dẫn thành một hệ thống từ chính quyền, ngành y tế đến giáo dục để xã hội từng bước hiểu, chấp nhận trẻ OVC hòa nhập cộng đồng, để các em được sống, học tập, sinh hoạt như bao đứa trẻ khác.

Kỳ thị, phân biệt người nhiễm HIV có thể bị phạt đến 30 triệu đồng

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết:

Theo Luật Phòng chống HIV/AIDS, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm nhưng chưa có sự đồng ý của người đó cũng bị coi là phạm pháp.

Các hành vi vi phạm trên có thể bị xử lý theo Nghị định 45/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Mức phạt tối đa sẽ là 10 triệu đồng/hành vi. Ngoài ra, nếu có hành vi đuổi học sinh, sinh viên vì lý do họ nhiễm HIV thì buộc ban giám hiệu trường đó phải nhận lại học sinh, sinh viên nhiễm HIV tiếp tục vào học. Theo Nghị định 45, thẩm quyền xử phạt thuộc thanh tra chuyên ngành về vệ sinh, khám bệnh, chữa bệnh và chủ tịch UBND các cấp.

TỐ NHƯ

Không lây nhiễm qua giao tiếp thông thường

Theo bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thế giới đã có khoảng 30 triệu người chết do HIV/AIDS và cũng có hơn 30 triệu người nhiễm căn bệnh này. Tuy nhiên, thực tế chưa thấy trẻ lây nhiễm HIV/AIDS qua đường giao tiếp thông thường. Trẻ nhiễm HIV/AIDS cào một đứa trẻ bình thường vẫn không lây nhiễm, trừ khi hai vết thương chảy máu tiếp xúc với nhau mới lây nhiễm!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét