Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

Xa quá đường đến trường


TT - Sáng 18-8, một ngày sau sự cố phụ huynh không cho con vào lớp để phản đối việc nhà trường cho 15 trẻ nhiễm HIV học hòa nhập trong năm học mới, toàn Trường tiểu học An Nhơn Tây (Củ Chi, TP.HCM) chỉ có 98 em tới lớp. Sân trường hiu hắt.

Học trò không ồn ã chơi đùa như mọi khi vì mỗi lớp chỉ lèo tèo 5-10 em. Thầy Đ., giáo viên dạy lớp 3, cho biết sau khi nhà trường chuyển học sinh nhiễm HIV trở lại Trung tâm Mai Hòa, một số phụ huynh đã bắt đầu đưa con quay lại lớp.

Thầy Nguyễn Văn Chẩn, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Sáng 17-8, lẽ ra toàn trường sẽ bước vào chương trình năm học mới nhưng khi phụ huynh phát hiện các em từ Trung tâm Mai Hòa vào học chung lớp, nhiều phụ huynh lập tức vào trường đưa con ra khỏi lớp, khiến các phụ huynh khác cũng có hành động tương tự. 255 học sinh có mặt tại trường lần lượt theo bố mẹ ra về, chỉ còn lại 44 học sinh”. Mặc dù nhà trường cố thuyết phục nhưng phụ huynh vẫn không chấp nhận.

15 học sinh nói trên đang học từ lớp 2 đến lớp 5 ngay tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ nhiễm HIV Mai Hòa. Có hai giáo viên đứng lớp, chia các em thành ba nhóm lớp, có lớp học ghép để đảm bảo đủ giáo viên. Hằng tuần, các em vẫn được các xơ đưa qua chào cờ, sinh hoạt tại trường, tham gia các chương trình vui chơi, tham quan do nhà trường tổ chức. Kết quả học tập của các em do Trường tiểu học An Nhơn Tây bảo trợ. Kể từ năm học 2009-2010, sau khi đề xuất và được sự đồng ý của Phòng giáo dục - đào tạo và UBND huyện Củ Chi, nhà trường mới có kế hoạch chuyển 15 em này về học hòa nhập ngay tại trường.

Thầy Chẩn tâm tư: “Đứng ở góc độ người thầy, học sinh nào cũng như nhau, cũng được tới lớp, được học hành. Song đây là vấn đề khá nhạy cảm, xã hội chưa dễ chấp nhận. Điều chúng tôi lo ngại nhất là các em sẽ bị tổn thương. Các em còn nhỏ đã biết gì đâu...”.

Thanh Tuyền - một em từ Trung tâm Mai Hòa - thổ lộ: “Tối bữa trước tụi em rất vui. Bình thường 8g đã ngủ nhưng tối đó tới hơn 9g mới ngủ. Em nằm mà cứ tưởng tượng sáng mai đến trường sẽ như thế nào? Được ngồi ở bàn ghế đàng hoàng, được gặp thầy cô, bạn mới... Em thích được nghe tiếng trống trường, được đứng trước cổng trường lắm... Học ở đó sẽ có rất nhiều bạn bè, có nhiều thầy cô, được học hỏi nhiều, được thi đua với các bạn nữa... Em muốn có cảm giác được tới trường”. Nhưng em đã không có được giấc mơ đó.

Nguyễn Lê Kim Trinh, cô bé 13 tuổi người Đà Lạt, gương mặt đẹp như thiên thần. Tuổi thơ của em là những chuỗi ngày không bình yên. “Ba chết, em ở với mẹ. Mẹ mất thì em vào đây. Em không biết ông bà nội - ngoại của em đâu” - em hồn nhiên kể.

Còn Thùy Duyên, cô bé 12 tuổi đến từ phố biển Nha Trang, mẹ mất lúc Duyên mới 3 tuổi. Bốn anh chị em của Duyên chỉ có anh Hai không bị nhiễm, đang được các thầy của một mái ấm ở Nha Trang nuôi dưỡng. Chị Ba và em Út của Duyên đã chết từ lâu.

Duyên kể: “Khi mẹ của em chết, chỉ có bà nội dám tới chăm em thôi. Em và bà nội đi bán vé số nuôi nhau. Bán vé số mệt lắm. Em cứ phải đi bộ suốt, mời mỏi miệng mới có người mua”. Cô bé nói: “Chỉ khi ra ngoài trường em mới buồn thôi. Thấy mình bị hắt hủi... Tụi em đi tới đâu người ta dồn lại xì xầm bàn tán, nhìn tụi em quá trời rồi dạt ra tránh đường”.

Còn Thanh Tuyền, cô bé mà ngay cả đến nơi mình sinh ra cũng không biết, lại là một câu chuyện khác. Ba mất khi Thanh Tuyền mới 5 tuổi. Lên 8 tuổi, mẹ cũng theo cha ra đi, bỏ lại hai chị em Tuyền côi cút trên cõi đời. Năm nay Tuyền vào lớp 5, còn em gái vào lớp 4.

Đã có trường hợp được hòa nhập

Cô Phạm Thị Tiết Hạnh, thường trực ban chỉ đạo giáo dục đặc biệt Sở GD-ĐT TP.HCM, trăn trở: “Chủ trương của ngành là cho trẻ nhiễm HIV học hòa nhập với trẻ bình thường, nhưng thường gặp khó khăn do xã hội còn kỳ thị với trẻ mắc bệnh. Từng xảy ra một trường hợp tương tự tại một trường tiểu học ở Thủ Đức. Ban đầu phụ huynh cũng một mực phản đối nhưng sau khi hiệu trưởng tổ chức gặp gỡ, phân tích và nói rõ về quyền trẻ em và các biện pháp phòng ngừa, phụ huynh đã dần hiểu và chấp nhận trẻ học hòa nhập”.

Từ năm 2006, các xơ của trung tâm đã có ý định đưa các em ra trường học nhưng không thực hiện được. Năm 2007, UBND huyện Củ Chi đồng ý cho mở lớp học tại trung tâm. Chương trình, sách giáo khoa lấy từ Trường tiểu học An Nhơn Đông (huyện Củ Chi). Từ năm 2007, các em đã được tham gia buổi chào cờ tại Trường tiểu học An Nhơn Đông. Năm 2008, các xơ lại đến một số trường tiểu học để xin cho năm em vào học. Lại bị từ chối. “Chúng tôi phải nhờ một người quen ở Gò Vấp cho tạm trú rồi xin cho năm cháu vào một trường ở Gò Vấp học. Nhưng bây giờ các cháu đều ở trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi nên cần gần gũi với chúng tôi để còn tiện tâm sự, nói chuyện với tụi nhỏ nên phải chuyển về đây” - xơ Bảo cho biết.

Cô Phạm Thị Tiết Hạnh, thường trực ban chỉ đạo giáo dục đặc biệt Sở GD-ĐT TP.HCM, trăn trở: “Chủ trương của ngành là cho trẻ nhiễm HIV học hòa nhập với trẻ bình thường, nhưng thường gặp khó khăn do xã hội còn kỳ thị với trẻ mắc bệnh. Từng xảy ra một trường hợp tương tự tại một trường tiểu học ở Thủ Đức. Ban đầu phụ huynh cũng một mực phản đối nhưng sau khi hiệu trưởng tổ chức gặp gỡ, phân tích và nói rõ về quyền trẻ em và các biện pháp phòng ngừa, phụ huynh đã dần hiểu và chấp nhận trẻ học hòa nhập”.

“Tối bữa trước đứa nào cũng nao nức dữ lắm. Lúc chúng tôi đang chuẩn bị sách vở, bút viết cho các con, đứa nào cũng háo hức hỏi sách của con đâu, quần áo của con đâu? 5g30 các cháu đã dậy rồi. Mấy xơ chưa chuẩn bị xong đã thấy tụi nhỏ đeo cặp sách, thay quần áo đi học chỉnh tề rồi.

Khi đến trường, các cháu leo lên xích đu chơi đùa rất hồn nhiên. Đứa nào cũng vui vì nghĩ sắp được vào lớp học. Nhưng cuối cùng phụ huynh phản ứng dữ quá. Thấy họ đổ dồn ánh mắt nhìn và dạt ra tránh đường, tôi thương các con quá, đau nhói lòng nhưng không dám nói sợ tụi nhỏ buồn...”.

Xơ Bảo thở dài: “Thật ra làm sao trách họ được. Chúng tôi rất buồn nếu các con của mình không được đi học như bao đứa trẻ khác. Nếu vì 15 đứa con của mình mà ảnh hưởng đến hơn 200 đứa trẻ khác thì... khó nghĩ quá. Nhưng...”.

“Từ trưa qua đến giờ các cháu cứ hỏi “Có tin gì không dì?” làm tôi thương quá, không muốn nói nhưng vẫn phải nói. Khi biết tin có thể vẫn phải học ở trong trung tâm, các cháu òa lên khóc” - xơ Bảo rưng rưng nói.

Trả lời những băn khoăn này, ông Lê Trường Giang - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phó chủ tịch thường trực Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM - nói xét về mặt tâm lý, nhận thức của xã hội, việc phụ huynh lo lắng là điều có thể chia sẻ. Tuy nhiên, về mặt thực tế và khoa học thì chưa có cơ sở.

Theo ông Trường Giang, trong nước bọt không có đủ hàm lượng virus HIV để lây nhiễm và nguy cơ lây nhiễm cực kỳ thấp. Việc lây nhiễm chỉ xảy ra khi có một hàm lượng virus rất lớn xâm nhập vào một vùng bị tổn thương lớn (chích ma túy, truyền máu...). Trong trường hợp một học sinh bị nhiễm HIV có vết thương chảy máu và máu của học sinh bị nhiễm này lại dính vào vết thương hở hoặc vết thương đang chảy máu của học sinh không bị nhiễm thì nguy cơ lây nhiễm cũng rất thấp, vì nếu hai vết thương cùng chảy máu, về nguyên tắc máu đang chảy là máu chảy ra nên virus HIV khó có thể xâm nhập vào cơ thể; nếu trẻ không nhiễm HIV mà có vết thương thì chắc chắn phụ huynh, giáo viên, nhà trường sẽ chăm sóc, băng bó vết thương cho trẻ trước đó.

Ông Trường Giang cũng khẳng định: từ khi thế giới phát hiện dịch HIV/AIDS đến nay đã mấy mươi năm, về mặt lý thuyết, khoa học đã chứng minh HIV chỉ lây qua ba đường: máu, tình dục, mẹ truyền qua con (khi mang thai, sinh con, cho con bú). HIV không lây qua các tiếp xúc thông thường như ăn uống chung, bắt tay, ôm hôn, tắm chung hồ bơi.

Còn thực tế đến nay trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp trẻ em nào bị lây nhiễm HIV qua đường tiếp xúc thông thường. Trẻ em không nhiễm và có nhiễm HIV vẫn sống chung, học chung với nhau và đến nay không ghi nhận trường hợp nào bị lây nhiễm trong môi trường học đường.

Theo ông Trường Giang, hiện nay nhu cầu đến trường của trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi nhiễm HIV ngày càng tăng, nhưng do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, nhiều trường, nhiều phụ huynh không chấp nhận cho con em mình học chung với trẻ nhiễm. Vì vậy, số trẻ nhiễm và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS khi đến trường phải giấu nhân thân, phải học trường ở xa địa phương, trường tư, các lớp học tình thương, các lớp do các tôn giáo phụ trách.

Trước thực tế này, nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6 vừa qua, Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM đã tổ chức chiến dịch truyền thông kêu gọi trách nhiệm và tình thương của xã hội đối với trẻ nhiễm HIV, kêu gọi sự đồng thuận đưa trẻ đến trường với thông điệp “trường của em, bạn của em”, góp phần giảm sự kỳ thị của xã hội đối với trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét