Thứ Tư, 15 tháng 9, 2010

Thi hài của Bác đã được gìn giữ như thế nào? (kỳ 2)


Tổ y tế đặc biệt được chính thức thành lập vào tháng 6/1968, do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền làm tổ trưởng. Các tổ viên gồm có: Đại úy - bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Thượng úy - bác sĩ Lê Điều, Thiếu úy - bác sĩ Nguyễn Văn Châu, y sĩ Đỗ Trung Hát và Hộ lý trưởng Phạm Ngọc Am.

Để tổ y tế có thể bắt tay ngay vào thực hành thí nghiệm gìn giữ thi hài ở điều kiện khí hậu nhiệt đới, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Công binh lựa chọn một số cán bộ, chiến sĩ tốt về Viện Quân y 108 xây dựng phòng thí nghiệm đặc biệt và đó sẽ là nơi yên nghỉ đầu tiên của Bác trước khi hoàn thành công trình Lăng mà bấy giờ đây mới chỉ là đồ án thiết kế.

Nhận nhiệm vụ, từ địa điểm sơ tán một số cán bộ kỹ thuật Phòng công trình Bộ Tư lệnh Công binh gồm các đồng chí Nguyễn Trọng Quyền, Bùi Danh Chiêu, Lam Sinh và Trần Thanh Vân, do đồng chí Nguyễn Trọng Quyền phụ trách hành quân gấp về Hà Nội, vừa ổn định chỗ ăn, ở, vừa khảo sát hiện trường, vừa lập phương án thiết kế sơ bộ, cũng không kịp tìm hiểu công trình phục vụ ai, nhằm mục đích gì, chỉ được biết: đây là một công trình đặc biệt, phục vụ một nhiệm vụ đặc biệt, đòi hỏi kỹ thuật cao so với khả năng, phương tiện hiện có của đơn vị.

Phải thiết kế và thi công một công trình phức tạp, bảo đảm nhiệt độ thường xuyên 160C, chỉ được phép dao động trên dưới 0,20C. Độ ẩm phải giữ ổn định 75% trong điều kiện không có gió lùa và phải vô trùng tuyệt đối. Đây là một khó khăn lớn. Mặt khác, qua mấy năm chiến tranh phá hoại, một số cơ sở điện nước bị địch đánh phá hư hại nặng, không thể đảm bảo điện nước 24/24 giờ cho công trình. Các cơ quan Trung ương lại ở nơi sơ tán, việc trao đổi kinh nghiệm, học hỏi thêm kỹ thuật, tìm kiếm phương tiện, vật tư bị hạn chế lớn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy nhưng nhóm cán bộ kỹ thuật vẫn quyết tâm chuẩn bị thi công.

Theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh Công binh, cả hai lực lượng thiết kế và thi công phải song song triển khai cùng một lúc mới bảo đảm tiến độ. Quá trình thi công cũng là quá trình vừa bổ sung hoàn chỉnh thiết kế. Chỉ ít ngày sau, lực lượng thi công chủ yếu của Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 259 công binh do đồng chí Trần Sỹ Yêm chỉ huy đã được điều động tới.

Thời gian này, phần lớn các khoa của Bệnh viện 108 đã đi sơ tán. Không khí trong viện vắng lặng, kín đáo, rất thuận lợi cho việc thi công cả ban ngày lẫn ban đêm. Do vị trí thi công chật hẹp, Tiểu đoàn 2 phải tổ chức làm ca, kíp, kết hợp với việc tập kết vật tư, nguyên liệu đúng lúc, đồng bộ. Vốn là những chiến sĩ ngày đêm đối mặt với bom đạn Mỹ trên các mặt đường, trên các cây cầu, bến phà các chiến sĩ công binh đã tỏ ra dày dạn, có nhiều kinh nghiệm và hết sức năng động trong nhiệm vụ mới này.

Sau một thời gian lao động quên mình, công trình đã hoàn thành đúng tiến độ và yêu cầu kỹ thuật. Nhưng đến khi lắp đặt các thiết bị máy móc, vận hành thử nghiệm lại nảy ra những khó khăn mới tưởng chừng không sao khắc phục, như khi lắp máy điều hòa nhiệt độ, lúc cần hạ thấp nhiệt độ theo yêu cầu thì máy không đáp ứng được. Thế là lại phải mày mò, cải tạo làm cho máy điều hòa nhiệt độ thỏa mãn tất cả mọi yêu cầu kỹ thuật trong từng giai đoạn gìn giữ thi hài Bác.

Xử lý, khắc phục xong máy điều hòa nhiệt độ thì ở buồng trung tâm, nơi sẽ đặt thi hài lại xuất hiện một trục trặc khác. Nguyên do là sau khi máy điều hòa ngừng làm việc, mọi người nhận ra có hiện tượng đọng sương trên trần nhà. Hiện tượng này dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, trong khi đó, buồng đòi hỏi phải vô trùng tuyệt đối. Làm thế nào để khắc phục hiện tượng này? Nhiều lần các chiến sĩ công binh đã dùng sơn chóng khô và dùng giẻ thấm nước, nhưng hiện tượng đọng sương vẫn xảy ra. Cuối cùng họ đã tìm được một biện pháp: dùng gỗ dán lên toàn bộ trần nhà kết hợp với thông hơi. Hiện tượng đọng sương biến mất. Công trình này đã được hoàn tất vào những ngày cuối năm 1968 và mang mật danh: Công trình 75A.

Khi đoàn chuyên gia Liên Xô sang kiểm tra, bạn đã ngạc nhiên đánh giá cơ sở làm việc được chuẩn bị hết sức tốt và bắt đầu từ đó, công trình được bàn giao cho tổ y tế đặc biệt sử dụng. Tiểu đoàn 2 công binh chỉ để lại một bộ phận nhỏ tiếp tục củng cố, bổ sung và quản lý vận hành, còn phần lớn đơn vị chuyển sang một nhiệm vụ mới: cải tạo, xây dựng Công trình 75B, một công trình có cấu trúc và thiết bị tương tự như 75A. Đây là nơi đặt thi hài Bác trong những ngày tang lễ.

Bước vào cải tạo, xây dựng Công trình 75B, Tiểu đoàn 2 công binh có nhiều thuận lợi. Vì sau ngày địch ngừng ném bom, các cơ quan của Bộ Quốc phòng và cơ quan Dân, Chính, Đảng đã lần lượt trở về Hà Nội. Những vướng mắc về kỹ thuật, những khó khăn về vật tư, trang thiết bị, được các cơ quan của Đảng và Nhà nước có liên quan quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ vô điều kiện. Nhưng cũng như ở Công trình 75A, vị trí thi công ở 75B rất chật hẹp, khó tập kết nguyên vật liệu, khó thi công ồ ạt trong cùng một thời gian và lại ở quá gần đường nên chỉ có thể tiến hành vào ban đêm để giữ bí mật. Gần sáng mọi công việc phải được thu dọn gọn ghẽ để ban ngày Hội trường có thể dùng làm việc bình thường, phục vụ cho các hoạt động khác.

Để có những giải pháp tối ưu, hàng loạt các thí nghiệm trong công tác bảo đảm kỹ thuật đã tiến hành. Cũng giống như ở buồng trung tâm của Công trình 75A, trên bề mặt hòm tôn được gò để chạy thử máy, không chỉ hiện tượng đọng suơng mà hơi nước còn bốc lên, ngưng tụ, chảy thành dòng. Trước khó khăn này, các cán bộ kỹ thuật lại lao vào vật lộn với các đề án khắc phục. Cuối cùng, sau nhiều đêm mất ngủ, họ đã tìm ra biện pháp chạy máy điều hòa kết hợp với thông hơi dùng tốc độ gió, chấm dứt được tình trạng đọng sương, ngưng tụ nước. Chính kết quả này đã làm cơ sở cho lãnh đạo quyết định duy trì phương án cải tạo xây dựng Công trình 75B và tiếp tục cho đặt các máy móc, thiết bị kỹ thuật như ở Công trình 75A.

Cũng cần nói thêm rằng, năm 1967, Trung ương còn cử đồng chí Phùng Thế Tài sang Liên Xô, Bungari tìm hiểu về nghi thức lễ Quốc tang. Đồng chí Phùng Thế Tài tìm hiểu tỉ mỉ cả việc tại sao khi mai táng lại dùng xe kéo pháo chở linh cữu mà không dùng các loại xe khác. Ở Liên Xô, bạn giải thích rằng trước đây trong chiến tranh, Đại tướng Cu-tu-dốp, không có xe khác nên phải dùng xe kéo pháo chở linh cữu. Còn ở Bungari, bạn trả lời việc này tùy theo phong tục, tập quán của mỗi nước và không có một quy định chung nào cả.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sau khi nghe báo cáo, đã đề xuất ta nên dùng xe ngựa để tránh sự ồn ào. Lập tức đồng chí Đỗ Viết Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ được cử sang Mông Cổ mua ngựa. Nhưng khi diễn tập thử thì thấy không ổn, nên Trung ương quyết định dùng xe kéo pháo trong các dịp lễ Quốc tang như ở Liên Xô và các nước châu Âu khác.

Hoàn thành hai công trình đặc biệt trong một thời gian ngắn, các chiến sĩ công binh Trung đoàn 259 đã biểu lộ tất cả tấm lòng của họ đối với Bác. Đứng trước những thành quả lao động do chính bàn tay mình tạo ra, họ không thấy thỏa mãn mà thấy lòng mình trống trải. Họ có mong muốn rằng, công trình làm chỉ để dự phòng rằng Bác vẫn đang mạnh khỏe. Bác sẽ sống rất lâu với dân, với nước và công trình của họ, cái công trình mà họ đã dồn tất cả tâm lực để hoàn tất còn rất lâu, rất lâu nữa mới có thể dùng đến.

Trong khi các chiến sĩ công binh bước vào giai đoạn khởi công cải tạo xây dựng Công trình 75B thì 75A, tổ y tế đặc biệt cũng bắt tay vào công việc chuẩn bị trang thiết bị y tế. Một việc cấp bách cần làm ngay là phải đặt làm một chiếc bàn đá ganitô chuyên dụng để uớp giữ thi hài. Đây là một chiếc bàn đặc biệt. Khi còn học ở Liên Xô, anh em trong tổ y tế đã đo kích thước để khi về nước đặt làm. Sau khi nhận được mẫu vẽ, các công nhân ở xí nghiệp đá An Dương đã làm được một chiếc bàn rất đẹp, y hệt chiếc bàn đặt ở trong Phòng giải phẫu của Viện Thi hài Lênin tại Mátxcơva.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét